- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng sống
- > 13 kiểu sinh viên chắc chắn tốt nghiệp là thất nghiệp
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
13 kiểu sinh viên chắc chắn tốt nghiệp là thất nghiệp
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng sống
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 01/01/1970
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Những người này tuổi nghề non nớt nhưng luôn muốn tìm một công việc nhẹ nhàng, ổn định. Nếu phải ở lại làm thêm hoặc đi làm vào cuối tuần thì sẽ tỏ ra khó chịu và cho rằng bị bóc lột.
1. Kiểu ảo tưởng tấm bằng
Sinh viên mới ra trường chẳng có mấy kinh nghiệm, chẳng biết làm việc gì, nhưng luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng “lương dưới 10 triệu đồng thì em không làm”. Dù có là thủ khoa Ngoại Thương hay từ Anh, Mỹ trở về thì kiểu người này chắc chắn sẽ không bao giờ qua được vòng phỏng vấn. Doanh nghiệp không trả tiền cho bằng cấp hay kiến thức của bạn, mà trả tiền cho những gì bạn có thể đóng góp. Thời buổi khó khăn, nếu xin vào các công ty tư nhân, tấm bằng của bạn dường như chẳng có mấy giá trị.
2. Kiểu "Tôi chỉ làm việc lớn"
Đây là những bạn luôn tin tưởng rằng, đỗ tấm bằng cử nhân nên mình phải làm những công việc “xứng tầm”. Họ luôn tự động viên bản thân: “Mình mất 4 - 5 năm đèn sách, giờ lại phải làm việc tay chân cỏn con như mấy đứa thất học sao?”. Họ không bao giờ chấp nhận làm từ việc nhỏ, xem đó là chuyện lặt vặt, tầm thường. Bạn có biết Chủ tịch và Tổng giám đốc tập đoàn Yahoo!, Marissa Mayer, từng làm công việc gì không? Đó là nghề bán hàng tạp hóa. Những tấm gương như vậy không thiếu. Những CEO tài năng vào thời điểm đó chắc chắn không biết họ sẽ trở thành vĩ nhân, vì vậy họ vẫn phải lao động. Lao động từ khi còn ngồi ghế nhà trường, từ chạy bàn đến chạy máy. Thành công có thể sẽ không đến với người an phận làm việc nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ khuất tầm mắt những kẻ không làm gì.
3. Kiểu thích ổn định
Nhóm này luôn có niềm tin mãnh liệt về một thứ gọi là “công việc ổn định”, đáng tiếc là trong thời đại số thay đổi chóng mặt thế này thì chẳng còn công việc nào gọi là “ổn định”. Ngay cả các cơ quan Nhà nước cũng thường xuyên cắt giảm biên chế. Vì vậy, do cứ duy trì niềm tin này nên nhiều bạn đã tốt nghiệp 3 - 4 năm rồi mà vẫn ăn bám bố mẹ để ngày ngày đi tìm kiếm những “cơ hội vững chắc”.
4. Kiểu thích bao biện
"Em không làm được cái này là vì… Em không làm được cái kia là do… Em đã làm nhưng mà…". Nhóm này có một số từ ngữ ưa thích là “nhưng mà”, “bởi vì”, “thật ra là”... để bao biện cho sự yếu kém về năng lực hoặc hèn nhát về tinh thần. Doanh nghiệp không tuyển bạn để nghe giải thích “tại sao không làm được”. Họ cần một người biết làm và biết chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh thì bạn sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được.
5. Kiểu lười biếng
Dạng người kiểu này tuổi đời thì trẻ, kinh nghiệm thì không có, nhưng luôn muốn tìm những công việc nhẹ nhàng, ổn định. Nếu phải ở lại làm thêm hoặc đi làm vào cuối tuần, họ sẽ khó chịu ra mặt và cho rằng mình bị bóc lột. Nếu bạn thông minh hiếm có thì miễn cưỡng người ta có thể chịu đựng tính lười của bạn, nhưng nếu chỉ là hạng làng nhàng thì chắc chắn tố chất đầu tiên của bạn là phải chăm chỉ. Thị trường lao động không có chỗ cho những kẻ lười biếng, tuy nhiên nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng "không làm việc này thì làm việc khác" nên thường chỉ sau một tháng thử việc là họ "bỏ của chạy lấy người". Dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn báo động đỏ nhưng số người trẻ lãng phí cơ hội vẫn không thiếu.
6. Kiểu "chém gió"
Những người này nói rất nhiều, nói rất hay, phân tích lập luận đều vào hàng siêu đẳng, kinh tế vĩ mô hay vi mô, Việt Nam hay thế giới đều có thể đàm luận ở mức cao thâm, nhưng đến khi bắt tay vào làm thì chẳng được việc gì. Thực tế chỉ ra rằng, trời chỉ cho mỗi người một sở trường, người giỏi ba hoa thường không còn sở trường nào khác. Nếu không muốn bị đồng nghiệp khinh thường và bị công ty mời "về hưu" sớm, tốt nhất bạn nên tập trung vào não bộ và đôi tay thay vì cái miệng.
7. Kiểu bảo thủ
Điều đáng sợ nhất đối với doanh nghiệp là gặp phải những người không thể tiến bộ, không biết nghe và không chịu tiếp thu. Họ luôn có 1.001 kiểu lập luận phản biện và đôi khi còn tự hào rằng "ai mà nói lại mình". Đây là kiểu người hay bị ghét nơi công sở. Nên nhớ người ta có thể nhắc nhở bạn đến lần thứ 3, nhưng nếu cứ cố "bật lại", bạn biết tương lai mình ở đâu rồi đấy!
8. Kiểu "đứng núi này trông núi nọ"
Họ làm cho công ty này nhưng tâm hồn lại ở các công ty khác, chưa đóng góp được gì mà chỉ luôn bận tâm tìm xem nơi nào trả lương cao hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn rồi nhanh chóng chuyển việc. Các bạn chẳng bao giờ học và làm được điều gì đến nơi đến chốn vì chưa dành đủ tâm huyết cho công việc. Và chẳng có mấy doanh nghiệp muốn nhận những người chỉ muốn mau chóng học hết mọi tài sản trí tuệ của họ rồi ra đi.
9. Kiểu thụ động
Những người này cứ phải đợi cầm tay chỉ việc và "thúc vào mông" thì mới chịu làm. Họ là người online Facebook nhiều hơn bất cứ ai. Sức ì của tuýp người này cực kỳ lớn, khen chê thưởng phạt các kiểu cũng không suy suyển. Bạn đồng hành của họ là kiểu lười biếng đã nói ở trên.
10. Kiểu không có chí tiến thủ
Không ham học hỏi, ngại tiếp xúc với cái mới, luôn sợ bị người khác chê cười, lòng tự trọng to như núi nhưng lại dễ thỏa mãn và chẳng chịu vươn lên. Kiểu người này vào công ty sau một thời gian không bị sa thải cũng tự xin nghỉ vì thấy tất cả bạn bè giờ đã lên sếp hết, mỗi mình còn lẹt đẹt với sự uất hận vì bị “đánh giá không công bằng”, “cống hiến không được ghi nhận…”.
11. Kiểu mong manh, dễ vỡ
Các bạn sinh viên này thường có tâm hồn vô cùng nhạy cảm, rất dễ xúc động, dễ nổi giận và cảm tính trong giao tiếp. Nên nhớ, ở trong một môi trường chuyên nghiệp, bạn đừng cư xử kiểu "tay mơ". Phải "cứng" và biết kiểm soát cảm xúc của bản thân. Ai cũng có thể bị sếp la mắng, gia đình ai cũng có thể gặp chuyện buồn bực... hơn thua là bạn trưng ra ngoài xã hội một gương mặt như thế nào. Người giỏi sẽ giấu cảm xúc vào trong chí ít là cho đến hết giờ làm việc.
12. Kiểu tri thức "cục bột"
Kiểu người này thường sở hữu các kỹ năng tốt và kiến thức phong phú. Tuy nhiên họ lại không biết hoạch định và quản trị tương lai sự nghiệp của mình. Các bạn dễ dàng đồng ý ở lại mãi tại một vị trí mà không có kế hoạch phát triển bản thân. Công ty không muốn tuyển các nhân viên dạng "cục bột" này vì mỗi người cần phải tự vận động. Nếu bạn làm 2 - 3 năm cùng một vị trí, thì bạn sẽ trở thành người có kinh nghiệm. Nhưng nếu bạn ngồi 5 - 7 năm cũng tại cái ghế đó, bạn sẽ là người trì trệ. Không phải cứ có thâm niên thì sẽ được công ty ghi nhớ và giữ chân. Trong thời đại trẻ hóa cũng như tiết kiệm "chi phí tiền lương" như hiện nay, những người càng có thâm niên càng dễ bị "hất cẳng".
13. Kiểu "khôn lỏi"
Luôn luôn tìm cách lợi mình hại công ty và thiệt cho bạn bè đồng nghiệp, nhân viên dạng này thường tốt trong ngắn hạn nhưng cực kỳ nguy hiểm trong tương lai dài. Nếu thuộc tuýp này, một là bạn phải che giấu tính cách thật khéo, hai là bạn phải thay đổi.
Kết luận: Khi tuổi đời còn trẻ thì kiến thức là thứ có thể học được, kỹ năng là thứ có thể luyện tập được. Nhưng tính cách và tinh thần thì lại cần rất nhiều thời gian để trui rèn. Nếu bạn thấy hình ảnh của mình phảng phất đâu đó trên kia, hãy lên kế hoạch rèn luyện bản thân ngay từ bây giờ.