• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kỹ năng sống
  • > 8 điều vô tình nói ra nhưng lại gây hại cho người khác
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
8 điều vô tình nói ra nhưng lại gây hại cho người khác

8 điều vô tình nói ra nhưng lại gây hại cho người khác

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kỹ năng sống
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 01/01/1970
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Nhiều người cứ nghĩ nói chuyện chỉ đơn giản là nói ra những điều mà mình muốn, nhưng kỳ thực thì đó lại là cả một nghệ thuật.
 
Người ta vẫn bảo "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" để nhấn mạng rằng trước khi định nói ra điều gì, hãy suy nghĩ thật kỹ càng. Bởi lời nói tưởng chừng gió bay nhưng đôi khi lại có sức sát thương còn khủng khiếp hơn cả hàng ngàn mũi dao, lưỡi kiếm.
 
Khi nói chuyện, chúng ta đều cần thận trọng trong cách sử dụng từ ngữ, không những phải biết "vuốt mặt nể mũi", mà còn phải biết cân nhắc nặng nhẹ để tránh gây hiểu lầm, ác cảm, hoặc thậm chí là tổn hại cho người khác.
 
Để có thể trở thành một người cao minh, hãy tuyệt đối tránh 8 kiểu lời nói dưới đây.
 

1. Những lời không may

 
Có một số người thường xuyên nói những lời không may hoặc bàn lùi, khiến cho người khác phải nản lòng, không còn tâm trạng tiếp tục làm những điều đang dang dở.
 
Bất kể trong trường hợp nào, mỗi con người đều cần và mong muốn nhận được những lời động viên, khích lệ tinh thần. Ngay cả khi không có ai cổ vũ mình, con người cũng nên tự biết cách nâng cao tinh thần của bản thân.
 
Nếu thường xuyên dành cho người khác những lời làm hao mòn ý chí, con người sẽ có xu hướng tự đẩy mình xuống vực thẳm khi xảy ra chuyện không hay.
 

2. Những lời trách móc

 
Vào lúc tức giận, con người thường mất kiểm soát mà nói ra những lời trách móc người khác. Những lời nói ấy không chỉ làm tổn thương người ta, mà đôi khi còn gây hại cho chính bản thân mình.
 
Khi đang trong cơn giận dữ, tốt nhất là nên giữ yên lặng, cố gắng tĩnh tâm và không phát ngôn bừa bãi. Bởi lời nói được phát ra từ một "cái đầu nóng" thường rất khó nghe và không bao giờ có thể thu hồi lại được.
 

3. Những lời oán thán

 
Những lúc không vừa ý, con người thường hay nói ra những lời oán thán. Đôi khi họ không có ác ý gì mà chỉ đơn giản là "kêu cho sướng cái mồm".
 
Tuy nhiên, những lời oán thán ấy lại dễ khiến cho người đối diện cảm thấy "nóng máu". Và tất nhiên, một cuộc tranh cãi nảy lửa là điều khó tránh khỏi.
 
Thử tưởng tượng mà xem, đã đang mất mát hoặc khó chịu mà còn phải căng hết cả óc ra để cãi vã với người khác sẽ là một cảm giác như thế nào? Không chỉ làm khổ những người xung quanh mà còn gây hại cho chính bản thân mình. Trong khi đó, sự việc thì cũng đã rồi, có kêu nữa, kêu mãi thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Vậy thì việc gì phải khổ như thế chứ?
 

4. Những lời cợt nhả

 
Có những người không biết cách tôn trọng người khác. Họ thường nói ra những lời đùa bỡn, thiếu đứng đắn và đôi khi là vô lễ.
 
Những lời khó nghe đó sẽ khiến cho đối phương cảm thấy không thoải mái và đánh giá thấp nhân cách của người nói. Có thể họ sẽ không có bất kỳ phản ứng gì ngay lúc ấy, nhưng trong lòng chắc hẳn đã thầm mặc định và coi thường.
 
Ngược lại, người buông những lời cợt nhả lại cứ nghĩ rằng hành động của mình là hay ho, hài hước và lấn át được kẻ khác nên lấy đó làm điều đáng tự hào. Về lâu về dài, họ sẽ vô tình hạ thấp giá trị của bản thân mà không hề hay biết.
 

5. Những lời tự sướng

 
Nhiều người luôn tự đề cao bản thân một cách thái quá và không ngừng tìm cớ tâng bốc chính mình trong các cuộc trò chuyện.
 
Có thể bởi họ quá yêu bản thân, hoặc cũng có thể họ cảm thấy làm như vậy sẽ giúp nâng cao giá trị của mình trong mắt người khác. Thế nhưng, đáng tiếc rằng những lời tự cao tự đại đấy chẳng những không mang lại cho họ bất kỳ lợi ích nào, mà ngược lại còn khiến họ tự làm tổn thương chính mình. Những người này luôn sống trong ảo tưởng, thích tự huyễn hoặc bản thân mà không phát hiện ra rằng mình rất đáng thương khi không thể sống đúng với bản chất.
 
Thường thì người nghe đôi khi sẽ vì phép lịch sự mà cười trừ hoặc gật gù trong vô thức, nhưng chắc hẳn chẳng ai thấy vui vẻ gì, thậm chí còn cảm thấy lố bịch nữa là đằng khác.
 
Muốn được công nhận, hãy dùng hành động để chứng minh và để người khác khen ngợi. Kỳ thực, việc tự sướng trong lời nói chính là đang gợi cho người khác sự chán ghét và khinh bỉ mà thôi.
 

6. Những lời gian dối

 
Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Cho dù bạn chỉ nói dối một lần duy nhất, nhưng tất cả những lời nói sau này của bạn dù có thành thật đến mấy cũng sẽ chẳng được ai tin tưởng nữa. Bởi con người là sinh vật biết rút kinh nghiệm, thế nên chỉ cần một lần phải nghe lời dối gian, họ sẽ luôn mang tâm lý phòng bị ở những lần sau.
 
Người ta có thể che giấu một lời nói dối trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, nhưng chẳng thể che giấu được cả đời. Cái kim trong bọc ắt sẽ có ngày phải lòi ra. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi sự thật bị bóc trần, người khoác lác sẽ luôn phải vắt óc suy nghĩ thêm rất nhiều lời nói dối khác nhằm che đậy cho sự gian trá đầu tiên của mình, việc này mới mỏi mệt làm sao!
 

7. Những lời cơ mật

 
Bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào cũng đều có những điều bí mật riêng. Và đã là chuyện cơ mật thì kiểu gì cũng sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng nếu bị truyền đến tai người khác.
 
Trong lúc sơ ý, nếu bạn chẳng may tiết lộ ra những điều bí mật, chắc chắn bạn sẽ phải nhận lại những hậu quả khủng khiếp, thậm chí là bị trừng phạt rất nặng.
 
Trước khi định nói ra một điều cơ mật, hãy suy nghĩ thật kỹ đến hậu quả. Và liệu bạn có chắc khi tâm sự điều này với người khác thì mọi chuyện sẽ được giải quyết theo hướng tốt đẹp hơn không?
 
Đừng tuỳ tiện mở miệng, cũng đừng bao giờ nghĩ rằng "chỉ tiết lộ với một người duy nhất" là điều an toàn. Bởi cứ mỗi người lại mù quáng tin tưởng một người nào đó, thì khẳng định rằng câu chuyện của bạn sẽ được truyền đi khắp thế giới, ngay đến những người chẳng biết bạn là ai cũng sẽ đều biết hết điều bí mật của bạn.
 

8. Những lời riêng tư

 
Ai cũng có một khoảng trống cho riêng mình và không muốn bị người khác xâm phạm, cũng giống như con người luôn có chuyện riêng tư không muốn cho người khác thấy được.
 
Nếu bạn vô tình biết được chuyện riêng tư nào đó của người khác, hoặc được họ tin tưởng tâm sự cùng thì đừng đem đi kể lể lung tung, điều đó sẽ khiến cho người ta đánh giá thấp nhân phẩm của bạn.
 
Giữ bí mật giúp người khác không chỉ là tôn trọng họ, mà còn là tôn trọng chính bản thân mình.
Bạn nên đọc
Quảng cáo