• Trang chủ
  • > Sách
  • > Khởi nghiệp
  • > Agronomy, sự lựa chọn của tương lai
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Agronomy, sự lựa chọn của tương lai

Agronomy, sự lựa chọn của tương lai

  • Tác giả: Dượng Tony
  • Thể loại: Khởi nghiệp
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 01/01/1970
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Ngày xưa, chúng ta có 4 đại học nông nghiệp. Nông nghiệp 1 ở Hà Nội, Nông Nghiệp 2 ở Huế, Nông nghiệp 3 ở Thái Nguyên, Nông nghiệp 4 ở Tp HCM.
Bây giờ các trường có đổi tên chút xíu, ví dụ NN 1 thành học viện nông nghiệp Việt Nam, 3 trường kia thành ĐH nông lâm. Nhưng cơ bản vẫn là 4 lò đào tạo tốt nhất cho ngành nông nghiệp với cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trại thực địa...rất tốt. Việc học nông nghiệp không nhất thiết phải ở thành phố lớn, vì rất nhiều người thành đạt trong ngành NN đến từ ĐH Nông nghiệp 2,3 hay khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ, khoa Nông Lâm ĐH Tây Nguyên, Khoa Nông Lâm ĐH Tây Bắc. Trường nào cũng rất rất tốt. 
 
Hiện tại, chưa thấy ĐH dân lập nào mở khoa nông nghiệp, có lẽ vì sợ sinh viên không theo học. Các trường có thể suy nghĩ lại để mở ngành này, thêm chữ Nông nghiệp tiên tiến chẳng hạn, đầu tư phòng thí nghiệm thật tốt, thuê đất xa xa làm trại thực nghiệm chăn nuôi trồng trọt, có thể đào tạo tại chức hoặc cuối tuần cho một lực lượng tốt nghiệp ngành khác, nay bỗng dưng muốn học nông nghiệp quá nhưng không thể thi lại ba môn toán hoá sinh. Thí sinh đầu tiên sẽ là Tony Tèo. 
 
Các bạn học nông nghiệp, với điều kiện là đam mê khoa học và có ngoại ngữ, thì khả năng thất nghiệp =0. Thất nghiệp không phụ thuộc vào ngành, chỉ phụ thuộc vào người. Cả thế giới đang thiếu nhân lực ngành này trầm trọng, vì người chịu lấm lem bùn đất, đội nắng đội mưa, suốt ngày trên đồng hay trong trang trại, vạch từng con gà con vịt tiêm thuốc, canh nửa đêm thụ tinh nhân tạo lợn, phối giống chó cảnh mèo cảnh,...không nhiều như lực lượng thanh niên trẻ tuổi thích ngồi máy lạnh và gõ máy tính, vì thích an nhàn nên thất nghiệp nhiều, hầu như nước nào cũng có tình trạng này.
 
Các tập đoàn đang mở hướng về nông nghiệp cao, ví dụ như VinEco của Vingroup chẳng hạn, họ đầu tư 2000 tỷ cho mảng nông nghiệp cung cấp mọi nông sản cho hệ thống Vinmart. Các bạn thực tập sinh nông nghiệp từ Israel về đều được họ ưu tiên nhận vào làm. Chưa kể các nông trại trên khắp thế giới đều có nhu cầu nhận lao động ngành nông nghiệp, tiếng Anh khá chút là xách giỏ ra quốc tế làm ngay, sức lao động bây giờ là hàng hoá xuất khẩu sẽ có giá khác, lương là lương quốc tế. Ví dụ 3 bạn Quyn, Thompson, Jimmy-gia nhân villa de Tony, đều vừa tốt nghiệp ĐH, ở Việt Nam bạn làm nhân viên văn phòng máy lạnh chỉ có 6 triệu/ tháng, tức 200 ngàn/ngày, bạn sang thực tập ở Israel trong 10 tháng, vừa làm vừa học, lương làm thêm của bạn là 1.2 triệu/1 ngày, tức chỉ 5 ngày thôi đã bằng làm 1 tháng ở văn phòng trước kia. Ở Israel còn thấp, làm kỹ sư nông nghiệp ở một số nước lương còn cao hơn, nhưng điều kiện để đi thì không phải bạn trẻ nào cũng có, như là (1) tốt nghiệp ĐH nông nghiệp hoặc sinh học, (2) giỏi ngoại ngữ, (3) sẵn sàng làm lao động tay chân trên sa mạc, nắng nôi không quản ngại. Sau khi trừ tiền ăn, ở, học,..bạn cũng có thể dư được 500-1000 usd/tháng, cái quan trọng là bạn có được cái nghề nông nghiệp trong tay, biết mọi kỹ năng từ tưới nhỏ giọt đến làm đất đến điều chỉnh độ ẩm, thụ phấn cây, bón phân, thu hoạch, đóng gói xuất khẩu...cái này là tài sản vô giá để có thể tự khởi nghiệp những nông trường riêng của mình sau 10 tháng thực tập. 
 
Rồi đây đời sống dân chúng sẽ khá hơn, thú cưng như chó mèo có cả bệnh viện riêng chăm sóc, tiêu chuẩn 5 sao cũng có, học bác sĩ thú y ra rất có triển vọng. Nông sản sẽ phải hữu cơ, sạch, an toàn....
 
Rất nhiều sinh viên nông lâm ra trường, tiếng Anh chỉ cần IELTS 6.0 thôi, kèm thêm một công trình nghiên cứu trong thời sinh viên hay đứng tên cùng thầy cô mình trong 1 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế uy tín là được học bổng toàn phần đi nước ngoài thạc sĩ tiến sĩ, trong khi ngành kinh tế IELTS 7-8 chấm tìm đỏ con mắt. Các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài, các tổ chức như lương nông thế giới FAO, các cơ quan kiểm dịch động thực vật, các công ty giống, phân bón, thuốc sâu, phân phối nông sản,...đều đặt hàng sinh viên giỏi giang ngành nông nghiệp từ năm 3 ĐH. 
 
Học ở đâu không quan trọng, miễn có đam mê, chịu lội bùn lội ruộng, đêm về cày nát mọi giáo trình nông học bằng tiếng Anh, đọc mọi tài liệu trên mạng về chuyên ngành, tham gia làm mọi đề tài khoa học với thầy cô, mày mò sáng tạo ra các công trình ứng dụng cho bà con nông dân....thì con đường vào đời thênh thang, rộng mở.
 
Tony vẫn ước mơ mình trở lại 18 tuổi để được làm kỹ sư nông nghiệp chuyên về thổ nhưỡng cây trồng, vì yêu thích mùi đất, mùi bùn đến kỳ lạ. Rồi sẽ học thêm cái thạc sĩ hay MBA để quản lý sau khi ra trường, tiếng Anh giỏi thì bỏ cả chục trường Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Úc, ...vô rổ lựa cho đã. Nhưng già quá rồi, chắc về già học trò nào đó lúc đó nó lên hiệu trưởng, nó thương tình mà cấp cho cái bằng gọi là kỹ sư danh dự. 
 
Tony, an agronomist. Honours.
 
P/S: Học đại học, tức bậc cao cấp của trí thức, mà không có đam mê, không có ngoại ngữ, không có công trình khoa học nào, không có trải nghiệm trong thời gian đi học thì ngành nào ra trường vẫn thất nghiệp. Bây giờ người ta không quan tâm cái bằng nữa, quan tâm trong đầu trí thức ấy có cái gì, đã làm được gì, sẽ làm được gì.

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo