- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng mềm
- > Bài diễn thuyết chấn động của nữ sinh viên sau 10 năm tốt nghiệp:
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Bài diễn thuyết chấn động của nữ sinh viên sau 10 năm tốt nghiệp:
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng mềm
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 11/11/2019
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Những người dành chiến thắng sẽ luôn là những người biết quan tâm tới bước chân, nhịp thở cũng như tốc độ tiến bước của mình.
Kính thưa thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo, quý vị phụ huynh và toàn thể các bạn sinh viên thân mến!
Tôi là Chi, sinh viên K98 khoa Mỹ Thuật trường Đại học Đài Loan. Khi tôi 5 tuổi, tôi đã biết được đời này mình sẽ trở thành một nhà nghệ thuật. Năm 18 tuổi, khi đăng ký chuyên ngành đại học, tôi chỉ chọn một khoa, đó là khoa thiết kế của trường đại học Đài Loan, đó là ước nguyện duy nhất của tôi.
Hôm nay là ngày tròn 10 năm sau khi tốt nghiệp. 10 năm sau tốt nghiệp là 10 năm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Và tôi cũng tin rằng, đó là 10 năm quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. 20 tuổi đến 30 tuổi là thời kỳ vàng của bạn, 10 năm sau, bạn muốn trở thành một người như thế nào?
Trong suốt 10 năm qua, điều mà tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc nhất đó là lĩnh hội được 3 điều quan trọng sau:
01. Sự lựa chọn của bạn sẽ quyết định bạn là người như thế nào!
Năm tôi 20 tuổi, tôi cảm thấy thế giới này thật bất công. Tại sao có những người không bao giờ phải lo ăn lo mặc? Tại sao có những người có đủ điều kiện để theo học những lớp học đắt tiền? Tại sao họ có thể mua máy tính, điện thoại xịn? Tại sao họ muốn làm gì là gia đình có thể đáp ứng một cách vô điều kiện? Tại sao có những người muốn ra nước ngoài là có thể ra nước ngoài? Muốn khởi nghiệp là có thể khởi nghiệp? Chỉ vì họ sinh ra đã ngậm thìa vàng rồi sao?
Tại sao tôi không thể đủ tiền để mua màu vẽ, in tác phẩm hay thuê sân bãi để mở triển lãm? Tại sao tôi phải đi gia sư mỗi ngày, thậm chí phải làm thêm ở quán cà phê? Tại sao tôi phải tính toán từng đồng để ăn cơm? Tại sao tôi phải tự mình tích cóp tiền để đi du lịch? Tại sao cuộc sống của tôi lại khó khăn đến vậy? Tại sao từ nhỏ tôi đã phải chịu đựng những điều này? Tại sao vậy?
Tôi tự kiếm tiền lo sinh hoạt cuộc sống khi lên đại học. Kể từ sau khi tốt nghiệp, tôi không còn xin tiền bố mẹ nữa. Tôi ở lại thành phố, vừa làm việc kiếm tiền vừa chuẩn bị ra nước ngoài du học. Chỉ nguyên các khoản tiền thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ đã khiến tôi cảm thấy nghẹt thở. Còn lại một chút tiền tiết kiệm, tôi dùng để thi TOEFL, mua sách tham khảo, chuẩn bị tập tác phẩm. Tài khoản ngân hàng của tôi hoàn toàn trống trơn.
Lúc học nghiên cứu sinh ở NewYork, tôi cũng vừa học vừa làm, ăn cháo qua ngày, những lúc nghèo nhất, trong tài khooản của tôi chỉ có 35 đô. Tôi không biết bữa cơm tiếp theo, tiền học phí của kỳ học tiếp theo ở đâu? Còn cả khoản nợ mấy trăm triệu đồng mà tôi đã vay để đi du học nữa. Áp lực tinh thần khiến tôi mất ngủ. Tại sao nhiều người lại có thể vô tư ra nước ngoài du học, sinh sống, du lịch khắp nơi, sắm hàng hiệu còn tôi thì không?
Sự ngờ vực này đã từng xuất hiện trong tâm trí tôi vô số lần. Trong lòng tôi tràn đầy căm phẫn, tôi cảm thấy thế giới này thật bất công bằng. Tôi hiểu hơn ai hết cái gọi là "hận đời". Đúng thế, thành công dường như là độc quyền của người có tiền. Người ta thành công vì nhà người ta có tiền. Bạn có nghĩ như vậy không?
Thế nhưng, tôi phát hiện ra rằng, việc không ngừng oán trách thế giới này và hợp lý hóa sự thành công của người khác không giúp tôi học được gì. Phê phán người khác không khiến tôi trở nên tốt hơn. Ngược lại khiến tôi rơi vào vòng xoáy của sự tiêu cực, không có tiền bằng với định kiến không thể thành công.
Tôi không muốn trở thành dân đen, đó không phải là thứ mà tôi muốn. Đối lập giai cấp, đối lập giàu nghèo, đối lập chính trị, đối lập thời đại, chúng ta không nên phân biệt lẫn nhau bằng sự đối lập khiến sức mạnh của chúng ta ngày càng nhỏ bé.
Người sáng lập Amazon Jeff Bezos đã từng nói rằng: "Thông minh là món quà bẩm sinh còn lương thiện là một sự lựa chọn - Cleverness is a gift, kindness is a choice".
Sự lựa chọn của bạn quyết định việc bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Tôi lựa chọn chuyên tâm vào việc làm thế nào để khiến mình trưởng thành, làm thế nào để giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng sức mạnh bản thân. Hay thậm chí là hòa đồng với những kiểu người khác nhau, với những người có hoàn cảnh khác với mình. Thay thế sự bài bác bằng sự đồng cảm.
Muốn học hỏi, tự mua sách để đọc; Muốn đi du lịch, tự gia sư kiếm tiền; Muốn đi du học, tự xin học bổng… Tìm cách để chi trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống. Điều này khiến tôi không ngừng tích lũy trưởng thành. Khiến trái tim tôi lớn lên từng ngày, đồng thời giúp tôi thoát khỏi những suy nghĩ "hận đời" tiêu cực.
Sự lựa chọn này giúp tôi thành công có được chỗ đứng trong top 500 công ty lớn nhất nước Mỹ sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở NewYork. Đồng thời giúp tôi trả hết tất cả những món nợ học phí bằng chính sức lực của mình vào năm 27 tuổi. Hoàn thành ước nguyện du học mà không tiêu tốn một đồng tiền nào của cha mẹ. Từ đó về sau, tôi gửi toàn bộ số tiền mà mình kiếm được về cho gia đình, để cải thiện tình hình kinh tế.
Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai.
Đừng oán trời trách người hay hận đời, dù là việc tốt hay điều xấu thì đều có ý nghĩa cả, bởi chúng sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn.
Thế giới này thực ra rất công bằng.
Sau 30 tuổi, tôi phát hiện ra rằng, thế giới này thực ra rất công bằng.
Những người bạn tài ba, những đứa trẻ con nhà giàu, những người bạn du học nước ngoài trước đây luôn là những người có điều kiện tốt hơn tôi rất rất nhiều. Nhưng sau 10 năm tốt nghiệp, có những người phải làm những công việc mà họ không thích, có những người thường xuyên kêu than oán trách cuộc sống. Nhiều lúc, tôi tự nhủ: "Rõ ràng họ là top những người thắng lợi, tại sao lại thành ra như vậy?" Tôi đã từng rất ngưỡng mộ điều kiện của họ, nhưng giờ đây lại đến lượt họ phải ngưỡng mộ cuộc sống của tôi.
24 tuổi một mình đơn độc đến Mỹ du học, 26 tuổi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, 27 tuổi trả hết các khoản nợ học phí, 29 tuổi giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Thị giác New York, 30 tuổi xuất bản tự truyện cá nhân.
Cuộc đời giống như một cuộc chạy đua Marathon, những người thắng ở vạch xuất phát chưa chắc đã có thể chạy đến đích cuối cùng.
Rất nhiều người có suy nghĩ rằng: "cuộc đời giống như một cuộc chạy đua 100 mét, thua ở vạch xuất phát coi như hết hy vọng", vậy nên họ mới nghĩ rằng không được thua ở vạch xuất phát.
Nhưng thực ra cuộc đời rất dài, nó là một cuộc chạy đua đường dài đầy thử thách ý chí và nghị lực. Sẽ có rất nhiều thử thách về tâm sinh lý, những người chạy được đến đích cuối cùng thường không phải là những người thừa thắng xông lên ngay từ đầu, cũng không phải là những người nhìn trước ngó sau chỉ quan tâm tới đối thủ. Mà ngược lại những người dành chiến thắng sẽ luôn là những người biết quan tâm tới bước chân, nhịp thở cũng như tốc độ tiến bước của mình.
Con người dù có tiền hay không, tướng mạo xấu đẹp, tài năng cao thấp cũng đều phải trải qua khó khăn, thử thách, thăng trầm. Ai cũng sẽ gặp được những cơ hội, đường đi thuộc về mình. Thực ra thế giới này không hề thiên vị bất cứ ai, mọi thứ đều rất công bằng.
Nếu cuộc đời cho bạn quả chanh, vậy thì bạn hãy làm nước chanh ép. Hành trình đường đi của mỗi người đều không giống nhau, mỗi người một vẻ, không cần ai phải ngưỡng mộ ai. Hãy trân trọng tất cả những gì mình có, là một người lương thiện vui vẻ hơn rất nhiều so với một người hay phẫn nộ oán thán.
Đừng chỉ vì sự ổn định nhất thời mà không dám dang rộng đôi cánh bay cao và bay xa. Đừng tham những đồng tiền chớp nhoáng mà bỏ lỡ cơ hội trưởng thành, bước đi trên một con đường gian khổ chắc chắn sẽ khiến bạn trở thành một con người kiên cường và nghị lực hơn rất nhiều.
02. Hãy là phiên bản chính mình tuyệt vời nhất, không cần phải so sánh với bất cứ ai
Tôi bắt đầu bị mất ngủ từ năm 19 tuổi. Đêm nào cũng vậy, mỗi tối tôi đều nằm trong ký túc xá ngắm nhìn thời gian trôi qua, một giờ, hai giờ, ba giờ cho đến tận năm giờ mới mệt mỏi ngủ thiếp đi. Đây không phải là cuộc sống đại học tốt đẹp mà tôi đã từng tưởng tượng: một mình lặng lẽ khóc thầm trong đêm.
Nhìn bề nổi, cuộc sống đại học của tôi dường như rất thành công, mang lại cho tôi một CV đẹp. Với nhiều giải thưởng thiết kế, tham gia nhiều hoạt động, diễn đàn, triển lãm, nhận được học bổng sinh viên xuất sắc, đứng thứ 2 toàn khóa trong buổi tốt nghiệp. Mọi thứ dường như đều rất tỏa sáng, nhưng đại học lại là thời kỳ tẻ nhạt nhất trong cuộc đời tôi.
Tôi khao khát thế giới này khẳng định mình, tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh, bạn học đều yêu quý tôi. Vậy nên tôi bắt đầu tham gia đủ các cuộc thi, biến mình trở thành một sinh viên tốt trong trường đại học. Hết lòng theo đuổi thứ bậc, xếp hạng, cạnh tranh điểm số. Tôi rất muốn có thể nhanh chóng thành công, để thế giới này có thể nhìn thấy tôi. Tôi muốn lấy lòng tất cả mọi người, nhưng trớ trêu thay tôi lại lúc chìm lúc nổi trong mắt họ, khiến tôi đánh mất mình, trở thành một người mà ngay đến bản thân tôi cũng không thể yêu thương nổi.
Stress, trầm cảm giày vò tôi suốt 6 năm liền mãi cho tới khi tôi đi làm, ra nước ngoài và tốt nghiệp nghiên cứu sinh.
Tôi quyết định từ bỏ theo đuổi tất cả những trò chơi vô hạn, trẻ so thành tích, ra xã hội so thu nhập, so xe ai đắt hơn, nhà ai mua nhiều tiền hơn, so ai lấy chồng sớm hơn, ai sinh con nhanh hơn. Sinh con xong vẫn chưa đủ, lại bắt đầu so đo con ai học giỏi hơn. Ai nấy cũng đều cố gắng hết sức để trở thành một người tốt hơn người khác về mọi mặt. Dù bao nhiêu tuổi cũng không thể so đo hết được, đau khổ vẫn mãi tồn tại.
Nhà tâm lý học Alfred Adler đã từng nói rằng: "Bạn không sống vì sự hài lòng của người khác, người khác cũng không sống vì sự hài lòng của bạn".
Đừng nên để ý đến sự bình phẩm hay đánh giá của người khác. Cũng không cần phải tìm kiếm sự tán đồng của họ. Hãy suy nghĩ và tiếp nhận diện mạo vốn có của mình. Người duy nhất mà bạn cần lấy lòng đó là chính mình.
Vậy nên, tôi bắt đầu tiếp nhận chính mình, tôi không còn cố gắng theo đuổi kết quả của những cuộc thi, hài lòng sự mong đợi của xã hội khiến tôi lần đầu tiên cảm nhận thấy được sự tồn tại của chính mình. Tôi thậm chí còn nhìn thấy khuyết điểm của chính mình, thoát khỏi chứng trầm cảm. Tôi không muốn sống trong bong bóng mỹ miều một cách mù quáng, tôi muốn hiểu người khác và thậm chí là chính mình một cách chân thực nhất, bằng một khoảng cách chính xác nhất.
Tôi không muốn làm người thành công hay vĩ đại nhất trên thế giới này, tôi chỉ muốn là một phiên bản của chính mình tốt nhất. Tôi bắt đầu rũ bỏ gánh nặng thành tích, sự ưu việt cứng nhắc, lột xác là chính mình. Điều này ngược lại khiến các tác phẩm của tôi như được phủ thêm một lớp từ trường thu hút được rất nhiều các giải thưởng lớn trên toàn cầu. Đây là kết quả mà trước đó cho dù tôi có làm vừa lòng người khác như thế nào cũng không thể có được.
Kiến trúc sư người Nhật Ando Tadao đã từng nói rằng: "Theo đa số ắt sẽ đánh mất chính mình, thứ duy nhất có thể làm đó là tiếp tục làm những việc mà bản thân muốn, sống là chính mình".
Khi bạn biết cách tiếp nhận chính mình, thế giới sẽ bắt đầu khẳng định, lắng nghe và trả lời những cảm nhận chân thành nhất của bạn.
Các bạn thân mến, các bạn chính là tấm gương tốt nhất của mình, không cần phải so sánh với người khác. Chỉ cần các bạn đã từng cố gắng thì bất cứ xếp hạng nào, kết quả nào cũng đều là tốt nhất. Đừng để xã hội chủ nghĩa công lợi bắt cóc con tim các bạn. Hãy tin rằng, chỉ cần cố gắng hết mình, dù kết quả như thế nào cũng đều đáng tự hào cả.
03 . Thế giới có thể không tốt đẹp hơn nhưng bạn nhất định phải càng dũng cảm hơn
Xã hội này chưa chắc sẽ như ý bạn, thế giới cũng sẽ không vì thời khắc tốt nghiệp của bạn mà trở nên thái bình như gấm thêu hoa. Các bạn có thể cũng sẽ giống như tôi, mắc chứng trầm cảm, gánh nợ, rơi vào khủng hoảng không biết phải làm như thế nào.
Tôi rất thích một câu nói rằng: "Cuộc đời giống như quả trứng muối, phải rạn nứt với vừa vặn".
Hãy thử ôm lấy những vết rạn nứt trong cuộc đời, tận hưởng khiếm khuyết của bản thân, bởi đó có thể là những hương vị mà không phải ai cũng copy hay cover được. Chỉ có bạn mới có thể chế biến được những món ngon mỹ vị nhất cho cuộc đời của chính bạn.
Chỉ khi trải qua rồi mới có thể trưởng thành, cuộc sống mới trở nên phong phú. Tiềm lực của con người là vô hạn, một khi chịu đựng được những nỗi khổ mà người khác không phải chịu, làm được những việc mà người khác không thể làm thì mới có thể tận hưởng được tất cả những gì mà người khác không thể tận hưởng.
Các bạn sinh viên thân mến,
Thứ nhất, hãy trở thành con người mà các bạn muốn, đừng để cảm xúc tiêu cực vùi dập;
Thứ hai, hãy so sánh với chính mình, thưởng thức chính mình, đừng cố gắng thỏa mãn ánh mắt thế tục;
Thứ ba, hãy thử ôm lấy sự bất công, không hoàn mỹ, không viên mãn của thế giới này, cố gắng góp công sức nhỏ bé của mình để lấp đầy những khoảng trống, góc khuyết trong xã hội. Hãy là một người lương thiện, hăng hái giúp đỡ người khác.
Hãy làm phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình, thế giới có thể không tốt đẹp hơn, nhưng bạn nhất định phải dũng cảm, kiên cường và bất khuất hơn. Chúc các bạn thành công!