- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng sống
- > Bài học về sự an bài từ câu chuyện Chúa Giêsu và người gác cửa
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Bài học về sự an bài từ câu chuyện Chúa Giêsu và người gác cửa
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng sống
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 01/01/1970
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Người gác cửa muốn chia sẻ nỗi vất vả với chúa Jesus, nhưng quả thực những điều mắt thấy tai nghe lại không phải như những gì mà anh ta nghĩ.
Có một câu chuyện, kể rằng: Ở Bắc Âu có một giáo đường, nơi đó có một bức tượng chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, kích cỡ gần bằng người bình thường. Bởi vì nơi đây được mọi người cho là cầu được ước thấy, rất linh thiêng, bởi vậy người khắp nơi tấp nập đến đây cầu nguyện, lễ bái, dòng người đông như trẩy hội.
Trong giáo đường có một người gác cửa, mỗi ngày nhìn thấy Chúa Jesus trên thập tự giá, đều phải lắng nghe lời cầu nguyện của nhiều người như vậy, cảm thấy không đành lòng, nên hy vọng có thể chia sẻ nỗi vất vả với chúa Jesus. Một hôm, ông ta hướng đến chúa Jesus bày tỏ tâm nguyện này.
Thật bất ngờ, ông nghe được một giọng nói: “Tốt lắm! Ta sẽ xuống dưới canh cửa cho anh, còn anh thì sẽ lên thập tự giá thay ta. Nhưng mà, có một điều kiện, bất luận anh thấy cái gì, nghe được điều gì, đều không được nói câu nào”. Người đàn ông này cảm thấy có thể làm được, thấy yêu cầu này thật đơn giản.
Vì thế chúa Jesus xuống dưới, còn người đàn ông gác cửa thì thay thế vị trí của chúa Jesus. Bởi vì kích cỡ của bức tượng cũng tương đương với người thật, nhìn cũng không thấy sai biệt nhiều lắm, vậy nên những người đến cầu nguyện cũng không nghi ngờ gì. Và người đàn ông này cũng như đã hứa, đóng giả chúa Jesus, im lặng không nói gì.
Dòng người lui tới nối liền không dứt, bọn họ khẩn cầu, có điều hợp lý, có điều không hợp lý. Nhưng bất kể như thế nào, người gác cửa đóng giả chúa Jesus đều cố nén không nói gì, bởi vì nhủ lòng mình phải tuân thủ lời hứa.
Đến một ngày, có một vị thương nhân giàu có đi tới, sau khi cầu nguyện xong thì quên mất không mang theo túi của mình. Người gác cửa nhìn thấy, muốn gọi vị thương nhân kia quay lại, nhưng mà cuối cùng phải nhịn lại không thể nói. Tiếp sau đó, có một người nghèo khổ rách rưới đi đến, cầu nguyện chúa Jesus giúp anh vượt qua cuộc sống khó khăn này. Khi chuẩn bị rời đi thì phát hiện một cái túi to, bèn mở ra thì thấy bên trong có rất nhiều tiền. Anh ta mừng rỡ, nói rằng chúa Jesus thật linh nghiệm, cầu được ước thấy, phủ phục cảm tạ rồi rời đi.
Trên thập tự giá, người gác cửa chứng kiến tất cả chuyện này, muốn mở miệng nói túi tiền kia không phải của anh. Nhưng mà vì ước định lúc trước, nên đành phải nhịn lại không thể nói. Kế tiếp có một người thanh niên trẻ tuổi bước vào, anh này chuẩn bị lên thuyền ra biển, nên đến cầu khẩn chúa Jesus cho mình được may mắn bình an.
Đang lúc chuẩn bị rời đi thì vị thương nhân lúc trước đột nhiên xông tới, túm lấy vạt áo người thanh niên trẻ tuổi này, yêu cầu trả lại túi tiền. Người thanh niên không hiểu chuyện gì, vậy là hai người cự cãi ầm ĩ cả lên. Lúc này, trên thập tự giá, người gác cửa đóng giả chúa Jesus rốt cuộc nhịn không được, đành phải mở miệng nói. Chuyện được nói ra rõ ràng, vị thương nhân liền đi tìm người nghèo khổ kia để đòi lại tiền, còn người thanh niên trẻ tuổi cũng vội vã rời đi để kịp giờ lên thuyền ra biển.
Lúc này chúa Jesu thật mới bước ra, chỉ tay lên thập tự giá nói: “Anh xuống đây đi! Vị trí kia anh không thể đảm trách được”. Người gác cửa nói: “Tôi đem sự thật nói ra, bảo vệ lẽ phải, chẳng lẽ không đúng sao?”.
Chúa Jesus nói: “Anh biết được gì chứ? Vị thương nhân kia cũng không thiếu tiền, cái túi tiền kia bất quá chỉ là dùng để ăn chơi trác táng, nhưng đối với người nghèo kia lại có thể là sinh kế cứu sống cả nhà; đáng thương nhất chính là người thanh niên trẻ tuổi, nếu vị thương nhân cứ gây sự với cậu ta, dây dưa làm lỡ thời gian của cậu ấy, thì may ra có thể bảo toàn tính mạng, còn bây giờ lên thuyền, đã bị đắm chìm trong biển nước rồi”.
Câu chuyện ngắn này đã cho chúng ta thấy được nhiều điều ý nghĩa. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường kỳ vọng những điều tốt nhất, và khi hễ không được như ý nguyện, thì vội than thân trách phận, thậm chí than trách ông trời bất công đối với mình.
Tuy nhiên, những điều chúng ta nhìn thấy và cho là đúng nhưng chưa hẳn đã đúng, điều cho là không tốt, lại chưa hẳn đã không tốt. Người xưa cũng thường nói, trong cái rủi có cái may, trong họa lại có phúc. Vậy nên, chúng ta nên tin tưởng rằng, những điều xảy ra trước mắt, cho dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thì tất thảy đều là những an bài tốt nhất đối với mình. Bởi vậy, mới có câu nói rằng, thuận theo tự nhiên cũng là một loại phúc.