- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng sống
- > Bạn đang ở đâu trong 7 ngưỡng của đời người này?
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Bạn đang ở đâu trong 7 ngưỡng của đời người này?
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng sống
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 01/01/1970
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Cứ 10 năm được tính là một ngưỡng, ở mỗi ngưỡng, người ta lại có những cảm nhận và nhận thức sâu sắc hơn về sinh mệnh. Có bao giờ bạn tự hỏi mình đang ở ngưỡng nào của đời người?
Hạnh phúc ở đời là trân quý từng giây từng phút được hưởng thụ cuộc sống hiện tại. Cả đời có cố gắng làm lụng, tích vàng tích bạc thì khi chết đi cũng chẳng mang theo được. Tận dụng thời gian để yêu cuộc sống ta sống thì mới thấy được hết những vẻ đẹp giản đơn xung quanh ta dù ở tuổi nào đi chăng nữa.
10 tuổi, chập chững bước vào đời
Những người ở giai đoạn này sẽ không còn đắn đo được cho bao nhiêu tiền tiêu vặt hay mặt xị ra so sánh với đồ chơi đắt tiền của những đứa trẻ nhà khác. Trẻ nhỏ thường thích so sánh, đặc biệt là trẻ nhỏ sinh sống ở thành phố. Tuy nhiên, đó là một chuyện rất bình thường. Đến khi 10 tuổi, trẻ bắt đầu có nhận thức, sẽ hiểu chuyện và biết cảm thông với mọi chuyện xung quanh.
20 tuổi, bắt đầu thanh xuân
Ở giai đoạn này, người ta không còn giữ lại trong lòng những câu hỏi vô lí về gia đình nữa, tại sao mình không được sinh ra trong một gia đình giàu có, tại sao bố mẹ lại không cưng chiều mình, tại sao bố mẹ không giàu có, tại sao bố mẹ lại làm nghề này. Chắc hẳn không ít người đã ước mình được sinh ra trong những gia đình vương gia, giàu có, bố mẹ có chức có quyền. Vốn dĩ đây cũng chuyện thường tình của tâm lí con người.
Nhưng nếu một người đến tuổi trưởng thành, phải tự mình bước vào đời mà lúc nào cũng tự ti, lo sợ, không dám lập nghiệp thì chẳng làm nên cơm cháo gì. Có những người luôn tự ti về xuất thân nghèo khó của gia đình, còn có những người xuất thân từ gia đình khá giả nên dựa dẫm cha mẹ, lúc nào cũng núp dưới bóng của phụ huynh. Cả hai kiểu người này rồi sẽ khó mà làm nên được gì giúp ích cho gia đình và xã hội.
30 tuổi, xây dựng sự nghiệp
Ở tuổi này, đa số đã lập gia đình và xây dựng sự nghiệp. Thậm chí, nhiều người đã kinh qua nhiều bài học thất bại nên nắm giữ rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống.
Với một người làm chồng, đừng nên so đo về nhan sắc của vợ mình. Một người vợ biết cách sống, cách cư xử, có hiểu biết là người cần được trân trọng cả đời. Nhan sắc qua thời gian sẽ phai tàn còn một tâm hồn sâu sắc và một trí tuệ tinh tường bất chấp thời gian.
Với một người làm vợ, cũng đừng nên so đo về ngoại hình của chồng. Người chồng có năng lực và chí tiến thủ là người sẽ đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống gia đình. Nếu một người làm chồng mà không có khả năng kiếm tiền thì dù có bảnh bao, lưng dài vai rộng thì cuộc sống hôn nhân sẽ ngày càng sa sút.
40 tuổi, không còn nghi hoặc
Những người độ tuổi này không nên nghe những lời bàn tán, nhận xét không hay của người ngoài rồi tự dằn vặt bản thân và làm khổ những người xung quanh. Không có ai là hoàn hảo, mỗi người đều có lựa chọn riêng của mình nên đừng để bất kì ai làm ảnh hưởng đến lựa chọn cá nhân.
Mỗi người đều có một cuộc đời, không ai sinh ra để thay thế ai sống cuộc đời không phải của mình nên hãy bỏ ngoài tai những lời bóng gió không căn cứ. Ở tuổi 40, sống là nhất định phải có chính kiến, không được lung lay bởi những lời dị nghị của người đời.
50 tuổi, hiểu mệnh trời
Người ở giai đoạn này không còn để tâm đến những chuyện khoe khoang danh lợi, không còn đem bản thân ra so sánh với thành công của những người khác. Trong tâm luôn muốn được an yên, tĩnh lặng vì đến 50 tuổi, con người đã vượt qua không biết bao nhiêu sóng gió, những chuyện thành bại thị phi.
Dù có thấy người khác khoe khoang gia sản, dù có thấy cuộc sống xa xỉ, lãng phí thì tinh thần vẫn trầm ổn, điềm nhiên. Ở tuổi này, tài sản lớn nhất đối với mỗi người chỉ có gia đình, dù có đổi cả đống tài sản kếch xù cũng không mua được hạnh phúc gia đình.
60 tuổi, coi nhẹ chuyện đời
Ở tuổi này, con người dễ dàng mở lòng với mọi thứ xung quanh.
Với người làm quan to chức lớn, khi về hưu không nên tỏ thái độ khinh thường người xung quanh. Còn với người làm kinh doanh, không nên so đo lời lãi ít nhiều vì tiền có kiếm được nhiều cũng chẳng mang xuống được mồ chôn. Những người có danh tiếng thì nên coi nhẹ danh tiếng. Sống một cuộc đời bình dị, an yên chính là liều thuốc tốt nhất cho tuổi già.
70 tuổi, nhân sinh xưa nay hiếm
Tới tuổi này, những chuyện thị phi bên ngoài cũng chẳng đáng để tâm. Đời người ngắn ngủi, sống từng ấy năm chỉ mong khi nhắm mắt xuôi tay không còn phải ân hận, nuối tiếc những chuyện đã qua. Những thứ từng tranh đoạt một sống hai chết khi còn trẻ tới khi có được rồi lại coi như đôi giày cũ, giành giật qua lại cũng chẳng ích gì.
Người già ở tuổi này có được 3 điều tích cực này thì không lo tuổi già buồn chán, đó là: thân thể khỏe mạnh, gia đình hài hòa, một danh tiếng tốt.
Lời kết
Con người sống trên đời vốn đã là một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ và từ bỏ. Điều ta có được hôm nay đến ngày mai biết đâu không thể bền vững. Nhưng rất nhiều người hoàn toàn không hiểu đạo lý này nên luôn muốn kiếm được nhiều tiền nhất, trục được nhiều lợi nhất trong những năm còn sống. Họ không dám, cũng không muốn buông bỏ.
Danh lợi, địa vị, quyền lực, nữ sắc… thứ nào cũng không thể buông ra thì mãi chỉ như con trâu kéo cày, mệt mỏi chất đống mệt mỏi. Ngược lại, đối với tiền tài, danh lợi, thứ gì cũng không kì kèo, qua loa đại khái thì cũng khó tránh khỏi có lỗi với bản thân, sống một đời không mấy ý nghĩa, thả mặc theo dòng đời.
Người thông minh, am hiểu lẽ đời có việc phải làm, có việc không làm, chỉ theo đuổi những thứ quan trọng nhất đối với mình và biết được vào độ tuổi nào nên so đo thứ gì, không nên so đo thứ gì, có được có mất, có nhận có bỏ một cách thản nhiên. Người như vậy cuộc sống mới tràn đầy màu sắc.