• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kỹ năng sinh tồn
  • > Bộ kỹ năng nhất định phải biết trước khi leo Fansipan
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Bộ kỹ năng nhất định phải biết trước khi leo Fansipan

Bộ kỹ năng nhất định phải biết trước khi leo Fansipan

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kỹ năng sinh tồn
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 29/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Hòa mình với thiên nhiên hoang sơ, được trải nghiệm thử thách leo núi, cảm nhận và tận hưởng vẻ yên bình giữa núi rừng bao la là lựa chọn của nhiều người khi muốn rời xa nhịp sống có phần ồn ào chốn thành thị.

Tuy nhiên, không ít người vô cùng buồn bã khi nghe tin một du khách người Anh – tên Aiden Shaw Webb (sinh năm 1993) đã mất tích trên đỉnh Fansipan, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (gần Sa Pa, Việt Nam). Theo thông tin mới nhất thì thi thể của Aiden đã được phát hiện ở vực sâu gần trụ cáp treo số T4.

Điều này làm dấy lên cảnh báo về an toàn khi đi phượt hay leo núi – sở thích trải nghiệm của các bạn trẻ. Để không gặp bất trắc xảy ra khi leo núi, bạn nhất định phải nắm trong tay những kĩ năng sau đây.

Kỹ năng leo núi
1. Nghiên cứu và lên lịch trình thật kỹ trước mỗi chuyến đi

Nên tìm hiểu lịch trình của chuyến đi, những thông tin về thời tiết, địa điểm sẽ đi qua, mức độ an toàn, vị trí cắm trại... và lên phương án cụ thể.

Ở Việt Nam, mà cụ thể là hành trình leo Fan, thời điểm thích hợp nhất leo núi là mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong đó, thời gian đẹp nhất là tháng 10 và tháng 11. Còn khoảng thời gian từ tháng 4 - 9 là mua mưa, khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều và đặc biệt nguy hiểm.

2. Chuẩn bị vật dụng cần thiết cho chuyến đi
Những vật dụng cần thiết như quần áo, giày đế mềm, áo khoác nhẹ, áo mưa, mũ, kính, kem chống côn trùng, ba lô chống nước, có nhiều ngăn để đồ thuận tiện.

Ngoài ra, lều trại, túi ngủ, áo mưa, tấm trải, đèn pin, dao, bật lửa, nồi niêu xoang chảo (để nấu ăn), túi sơ cấp cứu và thuốc y tế, đặc biệt nên có thêm một loại thuốc khử trùng nước phòng trường hợp hết nước khoáng hoặc nước đun sôi đem theo dọc đường.

Như trường hợp của Aiden Shaw Webb, anh ta leo núi mà gần như chẳng có gì cả: lều không, võng không, đồ ăn không, áo ấm cũng không. Nếu có một sự chuẩn bị kỹ hơn, Aiden chưa chắc đã rơi vào tình cảnh phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

3. Kỹ năng leo núi
Khi lên dốc phải sử dụng sức nhiều nên rất dễ bị mệt. Hãy giữ cho nhịp thở điều hòa, nếu thở nhanh có nghĩa là các bạn đã đi quá sức, hãy tạm nghỉ chừng 5 – 10 phút. Không nên nghỉ lâu vì cơ bắp bạn sẽ bị giãn, gây đau nhức.

Luôn cầm theo một chiếc gậy leo núi, nếu không có thì có thể sử dụng cành cây. Mỗi lần bước lên phiến đá, hãy ướm thử độ bám trước khi đặt chân lên.

Nếu dốc đứng, hãy men theo triền theo hình chữ Z, tay bám vào các mô đá, thân cây bên đường.

Khi xuống dốc bạn phải thật cẩn thận, không nên đi quá nhanh vì rất dễ bị vấp.

Hãy khom người và chùn đầu gối lại, giữ cho ba lô ổn định. Nếu dốc khá đứng, hãy xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám leo xuống.

Với những lộ trình khó, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng máy định vị GPS, khi di chuyển phải đánh dấu đường phòng trường hợp bị lạc.

Trên núi cao có thể mất sóng điện thoại, việc liên lạc bằng máy bộ đàm là một lợi thế.

4. Di chuyển chậm, tuyệt đối không leo núi một mình
Bạn nên di chuyển chậm, nhịp nhàng, tận dụng điểm bám cho bàn tay, điểm tựa cho bàn chân, luôn nhớ "chậm nhưng chắc".

Sau tất cả, bạn nên nhớ tuyệt đối tránh leo núi một mình. Aiden vì quá tự tin vào bản thân đã không cần bất kỳ người bản địa nào dẫn đường, thậm chí chẳng thèm đi với nhóm bạn.

Việc leo núi theo nhóm có thể tăng khả năng sống sót nếu chẳng may gặp nạn: ngã gãy chân, chảy máu, ngất xỉu... Ngoài ra nếu không may bị thú rừng, đặc biệt là rắn độc tấn công, nếu không có sự trợ giúp của người khác, bạn gần như sẽ cầm chắc cái chết.

Khi leo núi bị lạc đường
1. Giữ bình tĩnh

Khi bị lạc, tuyệt đối bạn không được hoảng loạn. Sợ hãi chính là kẻ thù nguy hiểm nhất trong tình huống đó vì những ảnh hưởng to lớn mà nó gây ra cho tâm trí của bạn.

Sau khi lấy lại được sự bình tĩnh, hãy thực hiện theo nguyên tắc "S.T.O.P". Đó là S = Sit down (ngồi xuống) T = Think (suy nghĩ), O = Observe your surroundings (quan sát xung quanh), P = Prepare for survival by gathering materials (chuẩn bị dụng cụ sinh tồn).

2. Xác định phương hướng
Sử dụng la bàn để xác định hướng cơ bản. Nếu không, bạn phải tìm cách leo lên điểm cao nhất như ngọn cây, đỉnh đồi để quan sát, tìm đặc điểm như nhà cửa, ruộng, khói. Ban đêm có thể tìm theo ánh lửa, ánh điện.

Tuy nhiên, la bàn đôi khi không phải là một sự lựa chọn tốt. Nguyên nhân là vì nếu như vùng núi có các quặng kim loại, la bàn sẽ bị loạn và trở nên vô dụng.

Thay vào đó, trước chuyến đi hãy chuẩn bị sẵn thiết bị GPS loại tốt nhất có thể. GPS dù có bị cản bởi cây cối và mây, nhưng vẫn sẽ có những lỗ hổng, giúp bạn xác định được toạ độ đang đứng.

Bạn cũng chú ý tiếng động lớn, xác định vị trí con sông, suối từ trên cao. Đi theo hướng dòng nước chảy, tỉ lệ thoát khỏi khu vực nguy hiểm sẽ cao hơn.

3. Đánh dấu đường đi
Chọn vị trí bạn đang đứng làm điểm bắt đầu và đánh dấu bằng hòn đá, tờ giấy, mảnh áo... hoặc bất cứ thứ gì dễ dàng quan sát được từ xa.

Bạn nên đánh dấu đoạn đường mình đi qua bằng cách vạt cây hoặc một vài dấu hiệu mà bạn có thể làm trong lúc đó để phòng trừ trường hợp bạn quay lại chỗ cũ.

4. Gây sự chú ý
Tạo tiếng động bằng cách huýt sáo, la hét, hát, thậm chí đập những hòn đá vào nhau.... hoặc đánh dấu vị trí của bạn sao cho mọi người có thể quan sát được từ trên không.

Hãy vẽ một hình tam giác lớn bằng cát hoặc xếp những chiếc lá, cành cây lại với nhau, tùy thuộc vào địa hình nơi bạn đi lạc. Đây là những dấu hiệu cầu cứu tiêu chuẩn, giúp chúng ta tăng khả năng được cứu thoát.

Hoặc không, bạn nên nhóm lửa – giữ ngọn lửa nhỏ, tạo nhiều khói để mang tín hiệu cầu cứu đến mọi người. Chú ý đừng đốt lửa ở nơi không đảm bảo an toàn, vật dụng dễ cháy.

Có một điểm lưu ý khi nhóm lửa trên các đỉnh núi cao như Fansipan, đó là nên sử dụng cành cây tươi chẻ nhỏ để nhóm lửa. Đó là vì trên núi có độ ẩm khá cao, các cành khô sẽ bị ngậm nước và không thể cháy. Trong khí đó, cành tươi chẻ nhỏ có chứa tinh dầu sẽ cháy nhanh hơn.

5. Tìm nguồn nước sạch và lương thực, nhưng tránh các thung lũng sâu
Con người có thể tồn tại không cần nước trong 3 ngày. Do đó, đến khoảng cuối ngày thứ 2 là ta sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái mơ màng, không còn tỉnh táo được nữa.

Do đó, khi lạc, ta cần chủ động tìm nguồn nước. Hãy thử tìm dọc đường nứt của đá, trữ sương trong vải áo để hút dần.

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải tránh những thung lũng sâu. Những nơi này có nước, nhưng về đêm nhiệt độ sẽ xuống rất thấp. Hơn nữa, đây cũng là những nơi thú dữ và rắn độc đến kiếm ăn.

Ngoài ra, tránh dựng lều ở những gốc cây to. Gió lớn có thể khiến cành cây rơi xuống. Rủi cành rơi là cành to thì quả là oan mạng.

Làm gì khi bị trật khớp chân khi leo núi?
Việc trẹo chân, trật khớp khi leo núi thường hay diễn ra. Chấn thương làm cho các đầu xương bị trật ra khỏi vị trí bình thường ban đầu, làm biến dạng và mất khả năng vận động tạm thời khi đó, gây đau đớn một cách dữ dội.

Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi bị trật khớp mà hãy nắm trong tay những thao tác sơ cứu bước đầu.

1. Chườm đá hoặc nước lạnh để làm giảm sưng
Ngay sau chấn thương cần chườm đá hoặc nước lạnh trong 10-15 phút lên chỗ bị đau để làm dịu và giảm sưng. Sau đó, dùng băng cuộn hay vải cố định khớp bị trật lại.

2. Hạn chế di chuyển, cử động
Việc đầu tiên cần làm khi bị trật khớp là không nên di chuyển, cử động để tránh lực tác động lên khớp đang bị sai.

Nhiều người không hiểu điều đó nên ra sức lắc, xoay khớp, nắn bóp hoặc cố cử động nhẹ nhàng nhằm đưa khớp trở lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên, điều này có thể gây tổn thương khớp, cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh vùng khớp đang bị tổn thương.

3. Cố định khớp ở tư thế đúng với vị trí trước đó
Tùy từng vị trí trật khớp để tìm ra vùng cố định nâng đỡ cho phần khớp đang bị tổn thương. Ví dụ, bạn bị trật khớp khuỷu tay, hãy dùng một miếng vải hoặc áo buộc cố định cánh tay vào thân người để cố định phần khớp khuỷu tay đang bị đau.

4. Di chuyển đến bệnh viện
Dù là một bệnh không nguy hiểm nhưng bạn cũng nên đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra để tránh những hệ lụy không đáng có sau này.

Bạn nên đọc
Quảng cáo