• Trang chủ
  • > Sách
  • > Tịnh tâm
  • > Bốn thứ che tâm
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Bốn thứ che tâm

Bốn thứ che tâm

  • Tác giả:
  • Thể loại: Tịnh tâm
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 29/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Người tu Phật, dù tại gia hay xuất gia, dù tu theo bất cứ pháp môn nào thì tâm tịnh và trí sáng là mục tiêu quan trọng cần phải đạt được trong đời sống tu hành. Tuy nhiên trong thực tiễn, dù đã hết sức cố gắng nhưng tâm mình thì lúc tịnh lúc không, trí mình thì khi sáng khi tối.

Chúng ta thường quy kết mọi thứ cho cái nghiệp của mình. Thì đúng là tất cả đều do nghiệp, nghiệp từ quá khứ xa cho đến quá khứ gần, nghiệp đang tạo ra trong hiện tại, nghiệp sắp tạo ở tương lai làm cho tâm trí mê mờ. Nhưng cụ thể thì do những nghiệp gì? Thế Tôn dạy, do “tham, sân, si, lợi” che lấp tâm trí của chúng ta.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay mặt trời, mặt trăng có bốn thứ che lấp nặng nề khiến không phóng được ánh sáng. Bốn loại nào? Mây, gió bụi, khói và A-tu-la, khiến mặt trời, mặt trăng bị che không phóng ánh sáng được. Đó là, này Tỳ-kheo, mặt trời, mặt trăng có bốn thứ che đậy, khiến mặt trời, mặt trăng không phóng ánh sáng lớn được. Đây cũng như thế, Tỳ-kheo có bốn kết che đậy tâm người không được cởi mở. Thế nào là bốn? Dục kết che đậy tâm người không được khai mở, sân nhuế, ngu si và lợi dưỡng che đậy tâm người không khai mở được.

Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn kết che đậy tâm người không khai mở được. Hãy cầu phương tiện diệt bốn kết này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

Trong bốn món kết “tham, sân, si, lợi” che tâm mà Thế Tôn đã dạy, thì ba độc (tham, sân, si) là căn bản phiền não, là bản chất của chúng sanh, sanh ra nơi đời là đã sẵn có trong tâm và bị chúng chi phối nặng nề. Để xua tan sự che phủ ba độc, phải dùng đến ánh sáng tuệ giác của “vô tham, vô sân, vô si”. Nhưng đây không phải là chuyện dễ làm, nhất là đối với hạng người phước mỏng nghiệp dày như chúng ta.

Còn món kết sau cùng, đó là lợi, tuy không phải là căn bản phiền não nhưng cũng rất khó dứt trừ. Dân gian thường nói, thấy lợi thì tối mắt, chính là đã thừa hưởng sâu sắc ý pháp này của Phật. Cũng vì chút lợi danh mà nhắm mắt làm càn, vong ân bội nghĩa, gây ra biết bao đổ vỡ và khổ đau. Để không bị lợi danh che mắt, chúng ta cần thường xuyên giác tỉnh, vận dụng tuệ giác vô thường để quán chiếu lợi danh như huyễn, có đó rồi không đó, nhằm giữ tâm thư thái, nhẹ nhàng.

Phương châm của người học Phật là “duy tuệ thị nghiệp”, phải thành tựu tuệ giác. Sở dĩ chúng ta dụng công tu hành đã lâu mà tuệ giác không hiển lộ chính vì tâm còn bị bụi mờ “tham, sân, si, lợi” che phủ. Khoan nói đến tham sân si, vì chỉ riêng một món “lợi” thôi mà đã gây đảo điên thế sự. Không chỉ người đời, mà ngay cả người tu nếu không khéo cũng rơi vào chướng nạn này. Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc dễ nhất, xả bỏ lợi danh để từng bước khai mở tuệ giác, tự tại thong dong.

Say đắm lợi danh, rõ ràng là đi ngược với đạo giải thoát. Người tu mà vướng vào lợi danh càng nhiều thì tâm trí bị che phủ và u ám càng nặng, vì như Thế Tôn đã dạy, “bốn kết che đậy tâm người không khai mở được”. Từ xa xưa, Thế Tôn đã từng tha thiết: “Này các Tỳ-kheo, hãy cầu phương tiện diệt bốn kết này”. Đến tận ngày nay, nhìn vào hiện trạng tu học của bốn chúng đệ tử, lời dạy của Ngài vẫn còn cấp thiết, đồng vọng quanh ta.

Quảng Tánh

Bạn nên đọc
Quảng cáo