• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kinh doanh
  • > Chuyện con nghé
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Chuyện con nghé

Chuyện con nghé

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kinh doanh
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 01/01/1970
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Cách đây mấy năm, lúc đội bóng đá VN thi đấu với đội tuyển Nhật, Tony đọc mục thể thao, thấy ý kiến nhiều chuyên gia là “cầm hòa với Nhật là một chiến thắng”. Đã thi đấu, thì thắng là thắng, mà thua là thua, không có chuyện “cầm hòa là thắng” hay “chúng ta thua trên thế thắng”.Dượng Tony Kỹ năng
Thế thắng là thế gì, lại sao có thế mà lại thua? Thi đấu là sòng phẳng, thua thì thôi, không nên có tư tưởng chủ bại trước khi thi đấu. 
 
Hồi xưa nghe cô giáo kể, ông vua gì đó đem con trâu to đến thách đố, dân làng tìm cách đối phó bằng cách đem con nghé ra thi. Con nghé thấy tưởng mẹ nên chui vào bụng đòi ti, con trâu kia nhột quá chạy mất. Và kết luận chúng ta thắng một cách mưu trí và tài giỏi. Chuyện gì xảy ra nếu con trâu kia không chạy mà nó húc 1 phát vào con nghé? Chuyện dưới lũy tre làng thì kể cho vui, chứ hội nhập quốc tế rồi, để bơi vòng chung kết, các vận động viên phải bơi vòng loại dù trước đó phải đạt chuẩn Olympic. Không ai hạ chỉ tiêu để con nghé vào võ đài. Nên tự mình phải học hành nghiêm túc, ngoại ngữ tinh thông, thể dục thể thao để tướng mạo khỏe mạnh đẹp đẽ, đi xe buýt-hạn chế đi xe máy cho lưng nó thẳng, ra bắt tay quốc tế phải cao lớn ngang hàng, đọc sách văn học nhiều để gương mặt thanh tú sáng sủa…
 
Nhiều bạn trẻ thấy người ta làm thì thích, nhưng tới lượt mình thì sợ. Lên thành phố học thì sợ cây ngã đè. Đi phỏng vấn nghĩ chắc rớt. Thấy người ta đi du lịch thì ham, nhưng kêu đi thì không, nói sợ. Đi vùng sâu tình nguyện, sợ sốt rét. Học kỹ sư, sợ điện giật. Làm cái gì cũng “chắc không được đâu”. Định kinh doanh cái gì đó, nghĩ một hồi lại thôi, thấy có người làm rồi. Học Anh văn thì chắc học không vô, mặc định “không có khiếu ngoại ngữ”. Trồng trọt thì sợ viễn cảnh đổ đống. Chăn nuôi sợ dịch bệnh chết hàng loạt. Sản xuất ra sợ không bán được hàng. Vay vốn thì sợ áp lực trả không nổi. Nhìn đời bằng ánh mắt lấm lét. Vì sợ quá. Nạt to 1 cái là ướt quần.
 
Tư tưởng chủ bại khiến người ta cứ lần khần, dùng dằng, rối trí. Trong khi thời gian thì trôi vun vút, nào có chờ đợi ai. Các bạn nên nhớ, không có gì là quá sớm, cũng chẳng có gì là quá muộn. Khái niệm sớm hay muộn là do mình tự nghĩ ra và tự giới hạn cho mình. Vấn đề là muốn hay không muốn. Nếu muốn, quyết tâm làm. 
 
Tony có anh bạn, bác sĩ, khi anh sang Mỹ định cư, anh đã 35 tuổi. Bên Mỹ họ không công nhận bằng bác sĩ của mình, nên anh phải học lại. Ai cũng khuyên anh từ bỏ, thôi làm nail cho xong. Anh không nghe lời ai, cứ mày mò, đánh vần từng chữ tiếng Anh và có được bằng bác sĩ Mỹ lúc 46 tuổi. Ít ai biết thương hiệu 7UP thành công sau 6 lần UP thất bại.
 
Có làm thì mới có sai. Sai thì sửa. Sửa rồi sẽ tốt đẹp hơn. Người hay chỉ trích người khác phạm sai lầm thế này thế nọ, là vì họ dư thời gian quá. Đâu có thấy 1 chủ doanh nghiệp lên mạng đăng đàn chỉ trích cái anh gì mua Iphone bên Singapore đâu, vì họ đầu tắt mặt tối ăn còn không kịp. Nên các bạn trẻ, nếu muốn làm thì cứ làm, trong phạm vi tự mình trả giá thì cứ mạnh dạn. Bỏ vài ba chục triệu tiền để dành thay vì mua smartphone, mình đem ra sản xuất kinh doanh thử, trường hợp xấu nhất thì coi như đi đường rớt mất cái smartphone. Sai càng nhiều lúc còn trẻ thì khả năng thành công trong tương lai càng lớn. Và tuyệt đối, không chỉ trích người khác. Không dành thời gian cho việc lảm nhảm đó. Nếu thèm chỉ trích quá thì nên tự trách mình. Nằm gác tay lên trán suy nghĩ về đời mình. Phân tích vì sao sai, nguyên nhân, nếu cho làm lại thì mình sẽ làm tốt hơn như thế nào.
 
Nhưng phải làm, làm, làm...không sợ sai các bạn nhé. Nếu muốn không mắc sai lầm, cách duy nhất là không làm gì cả.
Bạn nên đọc
Quảng cáo