- Trang chủ
- > Sách
- > Tản mạn
- > Chuyện ông lão cứu bầy sói và bài học về đạo đức của con người
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Chuyện ông lão cứu bầy sói và bài học về đạo đức của con người
- Tác giả:
- Thể loại: Tản mạn
- Nguồn: Hottimes/Thiện Sinh biên dịch
- Ngày cập nhật: 30/05/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Câu chuyện xảy ra vào những năm đầu thời Dân Quốc, thời thế loạn lạc, lòng người bất an. Thế nhưng, là một làng quê nhỏ hẻo lánh, thôn Thường Nhân lại được hưởng trọn một khoảng trời bình yên. Vậy nên không ít người bên ngoài tìm đến thôn lánh nạn, cho tới nửa năm sau trong thôn đã có mấy trăm nhân khẩu sinh sống.
Người có uy tín nhất trong làng là ông lão họ Lưu, tuổi chỉ mới ngoài 60. Dân làng kính trọng gọi ông là “Lưu lão” bởi không ai biết tên thật của ông là gì. Người làng chỉ biết thời trẻ ông Lưu từng gia nhập Nghĩa Hòa đoàn, đã từng chứng kiến các sự kiện lớn nhỏ của xã hội, hơn nữa ông còn thông hiểu âm dương, gieo quẻ bói toán, đến trung niên mới định cư ở làng. Bởi vậy lão Lưu càng được mọi người tôn kính hơn.
Hàng ngày ông Lưu thường dậy sớm lên núi hái thảo dược và quả mọng. Trong làng vốn không có nhiều ruộng, hơn một nửa dân làng không có đất canh tác, bởi vậy họ chỉ có thể vào rừng tìm kiếm thức ăn qua ngày. Hôm ấy, ông Lưu vừa lên núi thì giật mình nghe thấy tiếng rú thảm thiết vang vọng đâu đây.
Vừa định quay đầu chạy xuống núi, ông bỗng phát hiện một con sói nằm trên mặt đất đang ngước mắt nhìn ông. Vốn là người đã trải qua nhiều sóng gió, ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cầm chắc con dao phòng thân mang theo mình. Con sói này tuy nhe nanh trợn mắt tỏ ra hung dữ, nhưng lại không thể động đậy. Thì ra nó bị mắc kẹt trong cái bẫy thú, vùng chân bị thương máu chảy loang lổ khắp xung quanh.
Ông Lưu nghĩ bụng: “Nếu cả đàn sói tìm đến hại người thì phải làm sao đây? Chi bằng hãy nhân lúc nó bị thương mà trừ đi hậu hoạ vậy”.
Nhưng khi tiến đến gần hơn, ông để ý thấy phần bụng của nó căng tròn, không giống như bị bỏ đói lâu ngày. Thì ra, đây là sói mẹ đang mang thai…
Ông Lưu sững lại. Nhìn sói mẹ đang vùng vẫy trong tuyệt vọng, đôi mắt nó ánh lên vẻ vô vọng như cố bảo vệ đứa con trong bụng, ông sực nhớ đến người vợ quá cố của mình. Nàng, cô gái của cuộc đời ông, người vợ mà thời trai trẻ ông hết mực yêu thương và trân trọng lại phải chết trong tay người Tây dương… Và đứa con, đứa con trong bụng nàng mà ông vẫn ngày đêm mong ngóng ấy, cũng trở thành một bào thai yểu mệnh. Vết thương lòng ấy cho đến nay vẫn còn nhức nhối khiến ông không thể nào quên.
Động vật liệu có tình cảm giống như con người hay không? Ông Lưu ngập ngừng, nửa muốn tỏ ra lạnh lùng vô cảm, nửa muốn buông dao để cứu lấy một sinh linh đau khổ. Nhưng điều duy nhất mà ông biết là, chứng kiến cái chết của cốt nhục thân nhân có thể khiến người ta đau đớn cùng cực.
Ông Lưu nhìn sói mẹ mà không nói nên lời, con sói cũng nhìn ông bằng ánh mắt van nài, đầu cúi thấp xuống giống như một người mẹ đang khẩn khoản xin tha mạng cho đứa con của mình.
Rõ ràng đó chỉ là một con sói, một con vật mà người ta vẫn cho là hung dữ hoang tàn, vậy mà lại khiến ông xúc động mạnh mẽ. Dường như ông cũng thấu hiểu tâm can nó, và dường như nó cũng muốn nói với ông những lời mà – giống như nhiều chục năm về trước, nàng đang khẩn khoản cầu xin kẻ sát nhân ấy hãy dừng tay lại. Lòng mềm nhũn, ông bèn cẩn thận đi đến gỡ bỏ cái bẫy thú ở chân sói mẹ. Sau khi được gỡ bỏ cái bẫy thú, nó liền đứng dậy, ngoảnh đầu nhìn ân nhân lần cuối, rồi khập khiễng đi vào rừng sâu.
Trên đường trở về, ông Lưu thấy mí mắt cứ nháy liên hồi, trong lòng ông thấy điều gì đó bất an. Người ta thường nói rằng loài sói chỉ nhớ thù chứ không nhớ ân, mình tuy đã cứu nó một mạng, nhưng dù sao cái bẫy thú vẫn là người khác đặt. Hơn nữa con sói đó cũng đã phát hiện ra thôn làng, liệu có khi nào chúng kéo đến hại người thì phải làm sao? Và lỡ như chúng làm tổn hại đến tính mạng dân làng, mình há không phải đã “thả sói về rừng” ư?
Về đến nhà, ông Lưu vội lấy đồng xu gieo quẻ đoán cát hung, kết quả của quẻ tượng khiến ông giật mình kinh hãi: “Trong làng sẽ có họa ngập đầu, cả làng lầm than“.
Ông Lưu đứng ngồi không yên, quả đúng như ông đoán, trong làng ắt có tai họa ập đến, không biết sẽ chết bao nhiêu người? Nếu tai họa là từ bầy sói, mà cả thôn chỉ có một khẩu súng săn, đối mặt với bầy sói đói hung tợn thì biết làm sao đây? Ông cảm thấy hối hận, tự nhủ: Đáng lẽ lúc ấy mình không nên mềm lòng mới phải!
Ba ngày sau, chuyện mà ông Lưu lo lắng trong lòng cuối cùng đã đến. Nhưng không phải bầy sói mà là đám thổ phỉ. Mấy chục tên thổ phỉ cưỡi ngựa tay lăm lăm khẩu súng tràn vào trong thôn làng ngang ngược cướp bóc, ngay đến cả gia súc chúng cũng không bỏ qua.
Đám thổ phỉ dồn dân làng ra ngoài cổng làng rồi tha hồ cướp bóc, bắn giết những người chúng cho là “cứng đầu”, ngay cả người già và trẻ nhỏ chúng cũng không tha mạng. Như để giương oai hùm cọp, kẻ đứng đầu đám thổ phỉ bắn súng chỉ thiên rồi lớn tiếng quát lên ầm ĩ.
Tiếng hét vừa dứt, từ trên núi có tiếng sói rú lên vọng lại từng hồi từng hồi. Rồi một bầy sói xuất hiện. Lúc đầu chỉ là một con, hai con, rồi ba con, và hàng chục con sói ồ ạt phi đến. Một bầy sói cùng nhau rú lên, tưởng chừng như khắp bốn phương tám hướng đều là tiếng rú của bầy sói. Thật giống hệt tình cảnh “bốn bề khúc hát Sở quân”. Tiếp đó, mấy chục con sói lao thẳng đến đám thổ phỉ, chỉ trong nháy mắt đã bổ nhào đến nơi.
Đám thổ phỉ hoang mang nổ súng. Nhưng tiếng súng vang lên chưa được mấy hồi đã trở thành tiếng cắn xé của bầy sói. Dân làng ai nấy đều khiếp đảm, không thể ngờ rằng trên núi lại có nhiều sói hoang ẩn náu như vậy. Tiếng kêu la thảm thiết của đám thổ phỉ và tiếng cắn xé của bầy sói như rền vang cả một góc trời, người nào trông thấy đều không khỏi kinh hồn bạt vía.
Sau khi đám thổ phỉ đã bị triệt hạ, con sói đầu đàn uy phong lẫm liệt nhất trong bầy cùng với sói mẹ đi một vòng quanh ông Lưu rồi cúi đầu lạy tạ, sau đó dẫn bầy sói quay trở về núi. Chỉ trong nháy mắt đàn sói đã mất hút vào rừng sâu, trên mặt đất chỉ còn lại những vũng máu loang lổ, minh chứng cho một trận chiến kịch liệt vừa xảy ra.
Ông Lưu thổn thức trong lòng, không ngờ động vật cũng biết báo ân. Còn những người dân làng vừa chứng kiến sự việc thì xì xào to nhỏ với nhau:
– Không ngờ trên núi lại ẩn náu nhiều sói như vậy.
– Đám thổ phỉ này chết thảm quá, chỉ sợ mai kia bầy sói đến ăn thịt chúng ta, lúc ấy phải làm thế nào?
– Các ông không thấy sao, khi nãy chính mắt tôi trông thấy mấy con sói còn cung kính cúi đầu trước lão Lưu cơ đấy.
– Sao có chuyện kỳ lạ như thế? Có khi nào lão Lưu là ma sói biến thành không?
– Có lý, có lý, nhất định ông ta là ma sói biến thành rồi!
Sau một hồi bàn tán xôn xao, ai nấy đều nhìn ông Lưu với vẻ ngờ vực, có người tỏ ra khinh miệt, có người lại tỏ ra sợ hãi như nhìn thấy yêu ma. Bỗng một tiếng nói phá tan bầu im lặng: “Đánh chết con ma sói này!”, “Đúng rồi, đánh chết nó đi, đánh chết nó đi!”, “Bầy sói là nhà ngươi dẫn đến mà, phải không?”. Nói rồi, tất cả cùng hùa nhau kéo đến, có người cầm gậy gộc, có người cầm đá, có người cầm bất cứ thứ gì mà họ vớ lấy được, rồi ra sức đánh tới tấp ông Lưu. Sau khi ông Lưu chết đi, dân làng còn mời đạo sĩ đến làm phép trấn áp “con ma sói” để nó mãi mãi không được siêu sinh.
Ông Lưu có chết cũng không ngờ được rằng, tai họa ngập đầu trong quẻ bói của ông không phải ám chỉ bầy sói, cũng không phải ám chỉ đám thổ phỉ, mà là chính người dân trong làng mình.
Vào một đêm trăng, sấm chớp liên hồi nhưng không thấy đổ mưa, không biết nguyên nhân gì khiến thôn làng xảy ra hỏa hoạn, bầy sói trong bóng đêm phân tản ra bốn phía xung quanh ngôi làng, ngẩng đầu nhìn ánh trăng rú lên đau đớn…
Câu chuyện kết thúc đầy bất ngờ khiến mỗi chúng ta không khỏi suy ngẫm. Từ chuyện đàn sói báo ơn, cho đến việc dân làng dồn ân nhân của mình đến chỗ chết, lòng người không khỏi cảm thán: Phải chăng chỉ có con người mới dùng nghi hoặc để đối đãi với thiện tâm, dùng bạo hành để đáp lại ơn huệ?
Năm xưa, Lão Tử vì thấy thế nhân hiểm ác nên vội vàng viết cuốn “Ngũ Thiên Ngôn” (Đạo Đức Kinh) rồi rời đi. Có lẽ Ông đã sớm hiểu rằng người ta không chết vì bầy thú hoang dại, không chết vì thiên tai địch hoạ, cũng không chết vì gươm đao khói lửa, mà chết vì lòng người quá nham hiểm!
Có câu chuyện kể về Mặc Tử xem người ta nhuộm vải. Ông thấy rằng khi những tấm vải trắng được nhúng vào thùng, chúng sẽ biến thành những tấm vải đủ loại sắc màu.
Và Mặc Tử đã khóc.
Vì sao ông khóc? Là bởi xã hội này cũng giống như thùng thuốc nhuộm, mà hễ bước chân vào đời, người ta sẽ bị nhấn chìm trong đó. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, bất cứ ai sinh ra cũng mang một tâm hồn thuần khiết. Nhưng rồi trải qua tháng năm bôn ba, qua quá trình phấn đấu, qua cuộc sống mưu sinh, thì bản tính ban sơ đã lấm bẩn bụi trần.
Vì thấu hiểu lẽ nhân sinh ấy mà cổ nhân luôn giảng về “Đức”. Bởi chỉ có Đức mới có thể đưa con người trở về với chân ngã của mình, chỉ có Đức mới có thể giúp người ta khỏi sa đoạ trong vũng lầy nhân thế.
Và chắc chắn là, nếu có thể sống trọn vẹn với chữ “Đức” này, chúng ta sẽ làm được “cả thế gian đều say, chỉ có mình ta tỉnh; cả thế gian đều vẩn đục, chỉ mình ta sạch trong”…
Source: Hottimes/Thiện Sinh biên dịch
Source inmage: pinterest.com