• Trang chủ
  • > Sách
  • > Cuộc sống
  • > Con người càng ngày càng sợ môn toán
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Con người càng ngày càng sợ môn toán

Con người càng ngày càng sợ môn toán

  • Tác giả:
  • Thể loại: Cuộc sống
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 01/01/1970
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Nếu bạn thử tìm kiếm kết quả cho câu hỏi "bạn ghét nhất môn học nào ở trường?", dù bạn chọn liên kết nào, bạn cũng sẽ thấy Toán luôn là môn xuất hiện trong danh sách các môn học bị ghét hàng đầu.

Ngay cả khi mọi người chia sẻ không thích môn toán, bạn có biết rằng họ không chỉ đơn thuần là không thích môn toán không?
 
Ngày nay, con người ngày càng trở nên sợ môn toán – một hiện tượng có tên Nỗi sợ toán học
 
Theo Nuffield Foundation, Nỗi sợ toán học đã được công nhận là một tình trạng tâm lý, khi cảm giác lo lắng quá mức gây cản trở khả năng giải quyết và xử lý đối với các vấn đề, các con số và các phép tính của con người cả trong và ngoài lớp học. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa con người và môn toán trở nên không tốt và làm gia tăng cảm giác muốn "trốn tránh" môn học này.
 
Vậy tạo sao môn toán lại có khả năng khiến chúng ta lo lắng đến vậy?
 
Sau khi nghiên cứu về cả môn học và phương pháp dạy, có 5 lý do chính được đưa ra cho việc tại sao chúng ta lại ghét học toán.
 

1) Không sáng tạo

 
Với toán, bạn cần phải trung thực và chính xác. Bạn không thể sáng tạo hay "vẽ thêm" bất cứ thứ gì không thuộc về công thức hay quy tắc.
 
Đối với các môn khác, bạn có thể sáng tạo, có thể phát triển ý kiến hay ý tưởng cá nhân dựa trên quan điểm trước đó, hoặc đưa ra một câu trả lời "lạ", biến tấu một chút cho một câu hỏi khó. Nhưng đối với toán, bạn không thể làm vậy.
 
Khi đối mặt với một phương trình tính toán, trừ khi bạn đã làm bài tập về nhà hay thực hành trước, rõ ràng rằng chẳng có giải pháp rõ ràng nào cho bạn cả. Bạn không thể dựa dẫm vào đâu, cũng không có sự trợ giúp nào xung quanh trừ những kiến thức của chính bạn về môn học này. Nếu thiếu chúng, bạn sẽ có cảm tưởng những phép tính toán trước mặt bạn không khác gì một mớ hỗn độn các con số và chữ cái được sắp xếp lung tung.
 

2) Toán là một ngôn ngữ lạ

 
Học toán thực chất là học một ngoại ngữ mới. Mỗi phép tính, phương trình là một câu. Một bài toán đại số giống như một bức mật mã thách thức bạn đi tìm lời giải. Bạn phải học thuộc và nhận biết rất rất nhiều ký hiệu, thay cho chữ. Những ký hiệu tượng hình và rất dễ nhầm lẫn.
 
Có những phép tính dài khiến bạn mải mê đi tìm cách giải mà quên mất lúc đầu bạn đã giải quyết vấn đề gì rồi. "Đó là X hay Y?". Trả lời: "Nếu tính như thế này, sau đó tính như này, trừ khi cái này bằng 0, sau đó áp dụng quy tắc này…". Trừ khi bạn bắt kịp với các trình độ ngôn ngữ toán ngày càng cao qua các cấp học, bạn sẽ lâm vào cảnh đọc đề toán mà như đọc tiếng nước nào đó mà bạn chưa từng nghe tên, ngay cả khi nó được viết bằng tiếng Việt rõ ràng.
 

3) Mục đích là gì?

 
Một trong những vấn đề cốt lõi của con người khi làm toán đó là, trừ khi bạn thật sự đưa nó vào một bối cảnh cụ thể, việc tìm ra giải pháp cho X thật sự chẳng có mục đích gì cả. Ai mà quan tâm đến X nếu nó không ảnh hưởng gì đến chúng ta chứ.
 
Hoặc khi chúng chẳng có mối quan hệ gì đến vấn đề hiện tại cả. Nếu bạn A có 23 quả dưa hấu và bị mất 27% số quả dưa hấu, thì số quả dưa hấu còn lại là bao nhiêu? Tại sao bạn lại cần phải đếm những quả dưa hấu ngớ ngẩn đó, và tại sao cần phải tính cụ thể số dưa hấu đã bị mất vậy?
 
Luôn có một kết nối rõ ràng giữa các môn học và tác dụng của chúng với đời sống thực. Ví dụ: Thể dục giúp chúng ta khỏe mạnh và xinh đẹp hơn, môn tiếng Pháp hoặc tiếng Anh sẽ giúp chúng ta giao tiếp tốt hơn, học mỹ thuật giúp chúng ta tăng khả năng sáng tạo, v.v… Vấn đề đối với môn toán là chúng ta cứ loay hoay đi tìm giá trị của X, điều kiện của Y mà không hiểu nổi mấy giá trị này sẽ có tác dụng gì cho cuộc sống thực tế. Và một điều hết sức "bức xúc" đối với các em nhỏ tập tính toán, đó được thể hiện qua câu hỏi muôn thuở "Tại sao không cho con dùng máy tính cho nhanh?"
 

4) Môn học đáng sợ

 
Ngay sau khi bạn bắt đầu kỳ học đầu tiên với môn toán khi bạn lên cấp trung học, bạn sẽ phát hoảng khi nhận ra nó khó gấp 12 lần so với những gì bạn được học ở cấp tiểu học.
 
Bạn sẽ phải đối mặt với căn bậc hai, căn bậc ba, hoặc các phương trình bậc hai, bậc ba. Khi bạn nghĩ rằng bạn đã nắm những kiến thức đó vô cùng vững, thì bạn sẽ lại phải vật vã với Sin, Cos, Tan, Cot, và môn hình học thần thánh. Môn học này rất có tiềm năng trở nên đáng sợ và việc giảng dạy nó cũng vậy. Các giáo viên toán không sợ toán đúng không? Không hẳn vậy. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp các giáo viên toán cũng toát mồ hôi hột khi cùng học sinh giải quyết một phương trình nan giải ngay trên lớp học.
 

5) Chúng ta được dạy ghét môn toán

 
Đối với nhiều người chúng ta, thái độ tiêu cực đối với môn toán bị ảnh hưởng và vô tình được ủng hộ, tăng cường bởi những người khác, lan truyền qua bạn bè, người thân hoặc giáo viên qua nhiều năm bởi chính cách giáo dục của chúng ta.
 
Từ rất nhỏ bạn đã được dạy rằng Toán là một môn học rất quan trọng, phải học thật giỏi toán, nhưng học giỏi toán rất khó khăn và cần phải cố gắng rất rất nhiều. Chính điều này đã gây áp lực cho chúng ta từ nhỏ, rằng toán là một môn chúng ta phải "chịu đựng", chứ không phải môn học để yêu thích hay "tận hưởng".
 
Ở trường tiểu học, môn Toán là môn có số lượng tiết học nhiều nhất, và lượng bài tập về nhà cũng nhiều nhất. Học sinh sợ toán, giáo viên cũng cho rằng toán là môn khó dạy nhất trong tất cả các môn.
 
Khi ở nhà, phụ huynh luôn bắt chúng ta phải tự làm bài tập toán, trong khi lại rất vui vẻ giúp đỡ và dạy chúng ta hát, cùng tập thể dục, thậm chí là vẽ hộ một bức tranh. Chính những suy nghĩ và hành động như vậy khiến cho môn toán trở thành "môn học hung thần" đối với học sinh tiểu học, trong khi các em rất thoải mái và vui vẻ trong các tiết học thể dục, mỹ thuật hay âm nhạc hàng tuần.
 
Tuy vậy, chúng ta thật sự cần phải thay đổi thái độ tiêu cực với môn toán này, và giúp cho mọi người nhận thức được toán là một môn học tuyệt vời. Dù rằng chúng khô khan, đáng ngán, và dường như vô ích, nhưng trên thực tế, học toán giúp chúng ta có tư duy logic và rõ ràng, khiến chúng ta thông minh hơn và giải quyết mọi chuyện một cách nhanh chóng và hợp lý.
 
Nhưng làm cách nào để thay đổi tư duy và nỗi sợ hãi này? Đó vẫn là một câu hỏi khó chưa có câu trả lời toàn vẹn.
Bạn nên đọc
Quảng cáo