- Trang chủ
- > Sách
- > Tản mạn
- > Cướp có ... BUSINESS PLAN
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Cướp có ... BUSINESS PLAN
- Tác giả:
- Thể loại: Tản mạn
- Nguồn: TS. Alan Phan
- Ngày cập nhật: 31/05/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
"Với cái nhìn méo mó của một doanh nhân, tôi luôn liên tưởng đến những đế quốc “ăn cướp” cực kỳ thành công trong lịch sử đến những công ty đa quốc có một mô hình kinh doanh độc đáo với một kế hoạch hoàn hảo. Business plan của họ chứa đựng tất cả mọi chi tiết cần thiết từ sứ mệnh (mission statement), triết lý căn bản (underlying philosophy) đến đặc thù sản phẩm (products) chương trình tiếp thị (marketing), tổ chức quản trị và nhân sự (HR), cơ sở, vũ khí, công nghệ (facilities & technology), và sau cùng là nhu cầu tài chánh (financials), quản lý rủi ro và kỹ cương công ty (risks and corporate governnance)."
Chuyện “cướp giật”, hay ở mức độ thấp hơn “trộm cắp”, đã tồn tại suốt lịch sử loài người. Lòng ham muốn những gì không phải của mình đã được các tôn giáo, hệ thống đạo đức, tín ngưỡng dân gian… qua những giáo chủ, triết gia… phân tích và cảnh báo gần như trong hầu hết mọi kinh sách. Pháp luật từ chế độ phong kiến đến tư bản tự do đặt “cướp giật và trộm cắp” vào những tội đồ cần trừng trị thẳng tay. Vài chục ngàn năm nay, dù sử dụng nhiều ngôn từ cao đẹp cho những hành động tương tự để hưởng chiến lợi phẩm từ các tranh chấp “cướp + cắp”, chưa lãnh đạo quần chúng nào trên vòm trời này dám công khai hóa chuyện xấu xa của mình và đàn em.
Ông già Alan xin được phép phân tích sâu rộng hơn về một sự thật mà nhiều người cố né tránh. Nhất là khi nhìn lại từ tổng quan của xã hội chúng ta ngày nay.
Tôi nhớ một bài viết về kinh doanh nói lên sự khác biệt giữa những người thành công và những người cực kỳ thành công (như Buffett, Gates…). Ngẫm lại, sự khác biệt giữa một phi vụ ăn cướp thành công và một hệ thống ăn cướp cực kỳ thành công cũng mang nhiều yếu tố và cá tính như vậy.
- Trước hết, “cướp giật” là một quy trình không hề đơn giản.
Ngay cả một tên cướp mạt hạng muốn cướp chiếc xách tay của một bà cụ qua đường cũng phải suy nghĩ cẩn thận về những rủi ro: có công an hay bảo vệ nào gần nơi? Có nhiều người trẻ sẵn sàng ra tay hành nghĩa? Sẽ thoát chạy bằng lối nào cho nhanh? Liệu túi xách có giá trị đáng cho cướp?…
Còn muốn tổ chức đánh cướp một ngân hàng hay một cơ sở thương mại quy mô, đám tội phạm phải lên một kế hoạch khá công phu. Có quá nhiều thí dụ về loại cướp này qua các kịch bản của phim Hollywood hay Hong Kong.
Lên một mức cao hơn, ở Mỹ gọi là “có tổ chức” (organized crime) thì nên nghiền ngẫm cuốn truyện The Godfather (Bố Già) hay lịch sử của những băng đảng xã hội đen trên thế giới, từ Yakuza của Nhật, hội Tam Hoàng của Tàu, Al Capone của Mỹ hay Năm Cam của Việt Nam.
Với những người say mê nghiên cứu về “ăn cướp” thì tài liệu trong thư viện hay Internet rất đầy đủ để viết sách hay chém gió mỗi ngày.
Nhưng tất cả hiện hữu trong những vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây là minh chứng của những người ăn cướp thành công. Muốn biết thêm về phần chìm của tảng băng, của những kẻ cướp “cực kỳ thành công”, chúng ta phải đào tìm sâu kỹ hơn như một nhà khảo cổ.
Với cái nhìn méo mó của một doanh nhân, tôi luôn liên tưởng đến những đế quốc “ăn cướp” cực kỳ thành công trong lịch sử đến những công ty đa quốc có một mô hình kinh doanh độc đáo với một kế hoạch hoàn hảo. Business plan của họ chứa đựng tất cả mọi chi tiết cần thiết từ sứ mệnh (mission statement), triết lý căn bản (underlying philosophy) đến đặc thù sản phẩm (products) chương trình tiếp thị (marketing), tổ chức quản trị và nhân sự (HR), cơ sở, vũ khí, công nghệ (facilities & technology), và sau cùng là nhu cầu tài chánh (financials), quản lý rủi ro và kỹ cương công ty (risks and corporate governnance).
Lấy Đức Quốc Xã làm thí dụ. Có thể khi khởi nghiệp, chỉ có Hitler và vài đồng chí, nhưng qua thời gian, họ đã thuần thục xây dựng một tổ chức vô cùng hùng mạnh thời bấy giờ. Mission của họ là phục hồi danh dự và kinh tế cho tổ quốc, con dê tế thần gây ra cảnh khổ là những bọn Do Thái tham lam, triết thuyết căn bản là truyền thống thượng tôn (superiority) của sắc tộc Aryans, và chương trình tiếp thị cho người dân là tự hào về quang vinh (glory) của Đức quốc trong quá khứ và tương lai. Dựa trên truyền thống kỷ luật và thành tựu về công nghệ khoa học của dân Đức tại châu Âu, Hitler và công ty đã tạo nhiều lợi thế cạnh tranh trên thương trường vì các đối thủ Anh, Pháp… đang bận rộn lo thu dẹp lại đống hoang tàn từ Thế Chiến I.
Các đế chế khác trong lịch sử cũng phát triển theo đường lối tương tự. Đế chế La Mã có mô hình tiến bộ đem về từ Hy Lạp là “dân chủ cộng hòa”; đế chế Ottoman bành trướng theo Hồi giáo và các kênh thương mại ; đế chế Mông Cổ có anh hùng sa mạc Genghis Khan với nghệ thuật võ biền làm sao sáng; đế chế Anh có “Thượng Đế và Hoàng Đế (God & Her Majesty)” dẫn đường cho quân đội đi “khai trí” dân mọi rợ khắp thế giới; đế chế Tàu thì có “Thiên tử thay Trời hành đạo”; Nhật có “Đại Đông Á” cho dân châu Á khởi dậy quật cường…
Thực ra, mọi đế chế trong lịch sử đều bành trướng dưới hai nội lực: sức mạnh quân sự (vũ khí và quân đội) và tài sản kinh tế (vàng, tiền, hàng hóa, khoáng sản…). Mục tiêu duy nhứt là duy trì và phát triển lợi thế này bằng cách… "cướp giật”. Tuy nhiên, không thể thẳng thắn với đám nạn nhân là chúng tôi đang đi ăn cướp, nhất là trong thời đại mà dư luận quần chúng và thế giới có thể gây thiệt hại cho đại sự. Do đó, chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu là PR về cái mission cao quý, cái triết thuyết thượng tôn, cái quang vinh của bánh vẽ… Ngay cả ngày xưa (theo huyền thoại), khi ông vua Menelaus của Hy Lạp muốn chiếm thành Troy, ông vẫn phải dùng cái cớ là Bà Hoàng Helen đã làm mất danh dự Hy Lạp khi trốn theo người tình Paris về Troy. Không ai nhắc đến nguyên nhân chính là Hy Lạp muốn các tài sản kho báu của Troy và hoàng tử Paris chỉ là một teenager đang hứng tình.
Tôi không biết trong tương lai, quan niệm về chiến tranh của nhân loại sẽ thay đổi thế nào? Nhưng tôi đã yêu thích và đọc rất nhiều về bối cảnh các cuộc chiến trong quá khứ. Mặc cho những tô son trát phấn của các sử gia (trói gà không chặt, nên thích đẻ ra các giả thiết thời trang), chiến tranh trong cốt lõi chỉ là một vụ cướp đơn giản: phe tấn công muốn chiếm đoạt tài sản và phe phòng thủ muốn bảo vệ những gì mình có. Nghịch lý là 90% tài sản tranh chấp là sở hữu của đám vua chúa và quần thần; còn 90% dân ngu khu đen là những con tốt thí đánh đấm và sống chết theo mệnh lệnh (thích bào chữa là số phận). Ngay cả lý tưởng cao đẹp của trận chiến Nam-Bắc ở Mỹ vào 1861 cũng có nhiều mục tiêu khuất tất đằng sau mà những nhà nghiên cứu không tiện nói ra vì sợ bị dư luận ném đá.
Tóm lại, theo góc nhìn của “doanh nhân” già Alan, chiến tranh chỉ là một phi vụ M&A kiểu cưỡng ép. Nói thẳng như vậy thì có vẻ cực đoan và “cynical”; nhưng đó là thực tại của thế giới hiện nay, từ những xứ sở của dân chủ tự do đến các vũng bùn gọi là quốc gia “đang” phát triển hay mới nổi (hoặc sắp chìm).
May mắn thay, một điểm chung của các đế chế là “mặt trời luôn luôn lặn” dù ước muốn của người sáng lập hay kế vị là “muôn năm”. Lãnh tụ luôn thoái hóa theo quyền lực, sứ mệnh thiêng liêng chỉ lừa bịp được đa số vào một thời điểm, triết thuyết cho đế chế trở nên khôi hài kệch cỡm, tổ chức luôn đấu đá tranh dành trong nội bộ… và các đối thủ cạnh tranh luôn chờ đợi cơ hội… để trả thù hay chiếm đoạt (theo mô hình cướp mới).
Trong lịch sử cận đại, mô hình đế chế thành công nhất là hệ thống đảng Cộng Sản của thế kỷ 20. Từ một cuốn sách ít người quan tâm khi nhà triết học Đức, Marx, phát hành; các chính trị gia thủ đoạn và lỗi lạc như Lenin, Stalin, Mao… đã dùng nó như một chiêu PR tuyệt hảo, xây dựng một đế chế mà ở đỉnh cao của thành công đã bành trướng hơn nửa thế giới và sẵn sàng để thâu tóm thiên hạ với quyền lực của quân sự và tổ chức nội an. Tuy không còn tồn tại mạnh mẽ, nhưng nhóm lợi ích của Trung Quốc và Nga biết điều chỉnh kịp thời, mang thêm nhiều mặt nạ, mầu sắc… để đảng và đảng viên tiếp tục nắm quyền trong vài thập niên tới.
Suy nghĩ tận tường, Trung Quốc và Nga là thí dụ lịch sử cùa một hệ thống “cực kỳ thành công”. Không những sở hữu khoảng 70 tỷ US dollars (như nhận xét của Belkowsky và Bloomberg…) chỉ trong 14 năm cầm quyền, Tổng Thống Putin còn được coi như là nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2014. Bên Trung Quốc, nếu liệt kê hết danh sách các tư bản đỏ và quan chức có hơn tỷ nhân dân tệ, có lẽ chúng ta cần bề dầy của cuốn điện thoại niên giám.
Do đó, nhìn lại đằng sau những tôn vinh về thành tựu của Warren Buffett hay Bill Gates, họ chỉ là những người thành công, không thể ngồi chung mâm cơm với những người cực kỳ thành công như Putin..
.
- TS. Alan Phan -