- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng mềm
- > Hạc ngọa ngữ
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Hạc ngọa ngữ
- Tác giả: Tony Buổi Sáng
- Thể loại: Kỹ năng mềm
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 26/03/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Bữa nay Dượng nói về chuyện học ngoại ngữ và tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Mấy con dượng lắng nghe nhé, ghi chép vô vì dượng nói như thi tốp-phơ ấy, nói một lần thôi chứ hẻm có nói lại.
Là con gái, phải học ngoại ngữ. Để chi, tăng cơ hội kiếm chồng. Dân số Việt Nam có 90 triệu thì chỉ có 45 triệu đàn ông. Trong khi ngoài kia có 3.5 tỷ đàn ông trên thế giới. Nên xác suất thống kê mà nói, mình có ngoại ngữ, lấy Việt hẻm được thì lấy Tây, nên coi như mình có nhiều lựa chọn hơn. Mấy anh Việt Nam lôm côm mà hắt hủi mình, các bạn hất mặt lên trời cho dượng, nói do you think you are delicious (mày tưởng mày ngon hả) liền. Tụi nó sợ, biết đâu sẽ điều chỉnh lại hành vi, sẽ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Thế giới phẳng rồi, không nên thủ cựu phân biệt Tây Ta. Cứ là người, đàng hoàng tử tế thì lấy, quốc tịch nước nào cũng được.
Là con trai, phải học ngoại ngữ. Để chi, tăng cơ hội kiếm tiền. Ở Việt Nam ít việc thì xách giỏ qua nước khác mần. Tạo hoá sinh ra đàn ông và đàn bà, từ ngàn xưa đã phân công lao động rõ ràng rồi. Trai săn bắn, gái hái lượm. Nó là con gái, nó hái được gì thì hái, nó lượm được gì thì lượm. Còn mình đàn ông đàn ang vai u thịt bắp, thì phải ra rừng sâu, lên núi cao săn bắn đem về nuôi cả nhà. Nên phải học ngoại ngữ điên cuồng vô, để săn bắn quốc tế chứ. Lỡ vợ mình thèm cá hồi, mình phải qua Na Uy săn chứ. Có khi vợ lại thèm cá tuyết, lại phải chạy qua Nhật câu. Hẻm biết ngoại ngữ sao đi được? Mình hẻm đáp ứng được, nó bỏ đi lấy Peter hay Johnson nào đó ráng chịu à.
Mình đàn ông con trai, cơ bắp cuồn cuộn hẻm lẽ cũng đi hái lượm? Đeo cái yếm đỏ và nhởn nhơ dưới mấy gốc thông hái nấm? Còn cô vợ số đo ba vòng 90-60-90 lại đi săn bắn về cho mình ăn. Cô ấy yếu đuối thế sao chiến đấu được với thú dữ ngoài bìa rừng? Còn mình thì đầu đinh đầy sẹo lại ngồi thêu bên cửa sổ, mưa rơi qua song cửa thì ngước mắt lên nhìn, ràn rụa nước mắt. Chờ cô ấy mang đồ ăn về thì ngả vào bờ vai của cô ấy, để được che chở chở che. Giống quỷ hem.
Dượng thấy có ba nước châu Á, họ học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12, là Singapore, Philippines và Ấn Độ, nên lao động của họ có lợi thế ghê lắm. Ví dụ ở Philippines, nhiều vùng nông thôn xa xôi, nhiều bạn vì điều kiện khó khăn quá nên bỏ học từ lớp 3. Nhưng học 3 năm tiếng Anh rồi, nên các câu đơn giản như giặt đồ, nấu cơm, lau nhà,..họ đều biết, nên đi xuất khẩu lao động sang Hồng Công và nhiều nước lắm. Kiếm cũng được nhiều tiền từ các nghề như giúp việc, lao công….thu nhập cao hơn hẳn quê nhà. Họ ra nước ngoài làm giáo viên tiếng Anh, ca sĩ, y tá v.v…nên hàng năm, riêng lượng ngoại tệ họ mang về để xây dựng đất nước là 26 tỷ đô la Mỹ, lớn lắm. Dượng thấy tụi nó nói tiếng Anh lưu loát mà ham, giá như mình cũng ham học ngoạ ngữ như vậy, cơ hội việc làm mình sẽ tốt hơn. Chưa kể là làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở nước mình nữa, lương thưởng trung bình cũng cao hơn doanh nghiệp trong nước.
Rùi mình cũng phải đi đây đi đó để mở mang đầu óc, coi người ta học hành làm ăn thế nào. Phải có ngoạ ngữ để tự mình đi, thay vì kè kè theo em thư ký hay phụ thuộc vào phiên dịch như thế hệ trước. Không có chuyện không có khiếu là không học được đâu. Có phương pháp và chịu khó, là học được hết. Có bạn nhanh hơn, có bạn chậm. Mình chậm thì đầu tư thời gian nhiều hơn.
Hồi đó, dượng học tiếng Anh chủ yếu là tự học chứ chưa vô trung tâm nào, đến lúc tốt nghiệp ĐH là vốn từ nhiều lắm, dù nghe nói hẻm được tốt vì hẻm có máy cát sét để nghe băng. Dượng mua tờ Vietnam News và Saigon Times, dịch hết tất cả các bài qua tiếng Việt. Rồi lấy bài tiếng Việt đó dịch lại tiếng Anh, so với bản gốc. Làm miết khi nào gần giống thì thôi. Nên từ mới nó vô trong đầu mình. Sau này lên đọc các trang web của nước ngoài để lấy tiếng Anh chuẩn của họ, rùi cũng làm tưong tự. Riết rồi viết y chang như họ. Vốn từ phong phú, dịch được nhiều câu khó như phong trào nạc hoá đàn lợn, hội thảo đầu bờ, hoà nhập mà không hoà tan , xây dựng nông thôn mới, kè mới kênh mương…
Rồi nghe nói thì mình tập nghe trước. Trước một từ mới mình phải tra nghĩa và tra luôn cách phát âm. Rùi lên youtube, gõ vô các chữ như “Free English lesson” hay chữ gì mình muốn học, ví dụ mình làm ngành may mặc thì gõ vô ” English for textile/garment”, nó ra cả ngàn bài, từ vựng chuyên ngành tha hồ mà nghe, giọng bản xứ không. Còn nói thì phải có điều kiện, phải làm môi trường nói tiếng Anh thì mới nói tốt được. Còn không phải tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh hay đến các lớp trong trung tâm mới có điều kiện nói được. Xong cái mình tập thuyết trình, tự trình bày một vấn đề bằng tiếng Anh, một mình trong nhà tắm đi, rồi thu âm lại. Rồi mở ra nghe, đầu tiên mắc cười lắm, nhưng sau đó mình sẽ tự tìm cách phát âm lại các từ mình nói sai. Tự mình sửa là hay nhất.
Đó là kinh nghiệm của dượng. Các bạn khác cũng có cách khác như xem phim nước ngoài, nhưng dượng thì hẻm có xem phim nên chỉ học theo cách trên. Chúc các bạn học tiếng Anh hay các ngoạ ngữ khác lưu loát nghen. Học thiệt giỏi, thi TOEFL IBT 120/120 thì Harvard nó cấp học bổng cho, rồi thành đồng môn với dượng.
Dượng yêu các bạn. I love you all.