• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kỹ năng sống
  • > Hội chứng người tốt
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Hội chứng người tốt

Hội chứng người tốt

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kỹ năng sống
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 01/01/1970
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Người Tốt khó từ chối các yêu cầu – ngay cả những yêu cầu vô lý. Họ tử tế quá mức cần thiết. Khi muốn hoặc cần một điều gì đó, họ ngại đưa ra yêu cầu vì không muốn làm phiền người khác. Người Tốt cũng tránh xung đột như tránh dịch bệnh vậy. Họ thích hòa thuận hơn là tranh đấu.
 
“Sếp thường nhờ bạn đảm nhận công việc trong những ngày cuối tuần vào giờ chót. Lần nào bạn cũng nói “được” mặc dù đã có kế hoạch dành cho gia đình. Bạn hậm hực trong lòng vì phải miệt mài với những bản báo cáo vào thứ Bảy.
 
Bạn gọi món bít-tết đắt tiền ở nhà hàng, nhưng khi người bồi bàn mang lên thì nó đã chín quá. Khi anh ta hỏi, “Mọi thứ thế nào?” thì bạn đáp, “Tốt,” trong lúc ủ rũ nhìn miếng thịt bị cháy.
 
Bạn muốn tham gia lớp nhu thuật, nhưng không nghĩ vợ mình sẽ bằng lòng để mình vắng nhà một hoặc hai tiếng mỗi tuần, vì thế bạn thậm chí chẳng hề đề cập ý định này với cô ấy.
 
Hàng xóm để mấy con chó của ông ta sủa suốt đêm, và chuyện đó làm bạn không ngủ được. Thay vì nói với ông ta về nó, bạn lại phê bình ông với những người bạn của mình trên Facebook.
 
Nếu từng rơi vào bất kỳ tình huống nào như thế, có thể bạn là một trong rất nhiều người bị “Hội Chứng Người Tốt” – một tập hợp gồm tính cách, thái độ và các đặc điểm hành vi được miêu tả bởi tiến sĩ Robert Glover, tác giả quyển No More Mr. Nice Guy.
 
Người Tốt tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ một cách thụ động. Thay vì lên tiếng, họ để người khác dễ dàng lấn lướt mình. Họ là những người dễ dãi và luôn làm hài lòng mọi người. Người Tốt khó từ chối các yêu cầu – ngay cả những yêu cầu vô lý. Họ tử tế quá mức cần thiết. Khi muốn hoặc cần một điều gì đó, họ ngại đưa ra yêu cầu vì không muốn làm phiền người khác. Người Tốt cũng tránh xung đột như tránh dịch bệnh vậy. Họ thích hòa thuận hơn là tranh đấu.
 
Thoạt nhìn, Người Tốt có vẻ như những người thánh thiện. Dường như họ rất hào phóng, linh hoạt và vô cùng lịch sự. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn, bạn sẽ thường nhận thấy phần lõi yếu đuối, lo âu và phẫn uất. Người Tốt thường hay lo lắng vì giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào sự công nhận của người khác và việc làm mọi người yêu mến mình. Họ lãng phí nhiều thời gian cố tìm cách từ chối mọi người và dù thế, thông thường đến cuối cùng họ vẫn đồng ý, vì họ không thể vượt qua được thói quen đó. Họ cảm thấy mình không thể làm theo những mong muốn thật sự của bản thân, vì họ vướng vào những việc mà người khác cho là họ nên làm. Do “thuận theo tự nhiên” là cách tiếp cận cuộc sống mặc định của họ, nên Người Tốt ít kiểm soát được cuộc sống của mình và vì thế cảm thấy mình vô dụng, nhu nhược và bế tắc. Họ cũng thường phẫn uất và thù hằn vì những nhu cầu thầm kín không được đáp ứng và họ cảm thấy những người khác luôn lợi dụng mình – mặc dù chính họ là người cho phép điều đó xảy ra.
 
Trong tình huống xấu nhất, sự phẫn uất dồn nén do bị đối xử thô lỗ sẽ khiến những cơn thịnh nộ và hành vi bạo lực không ngờ bùng nổ. Họ là một ngọn núi lửa đang chực phun trào.
 
Người mắc Hội Chứng Người Tốt tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ một cách thụ động.
 

Vậy một Người Tốt cần làm gì? Làm thế nào để họ lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình và ngừng làm người dễ bị dắt mũi như thế?
 

Một số Người Tốt cho rằng giải pháp là làm điều ngược lại, từ cam chịu chuyển sang hung hăng. Thay vì nhún nhường chịu đựng, họ muốn mình phải lấn át trong mọi tình huống. Họ cố đạt mọi thứ cho bằng được, dù thứ đó là gì.
 
Sự hung hăng, dù thích hợp trong một số tình huống, đặc biệt trong những lúc có sự tranh đấu dữ dội, nhưng nó không phải cách giao tiếp hoặc lối hành xử thật sự hữu ích trong đa số trường hợp. Trên thực tế, việc áp dụng kiểu giao tiếp cố chấp, hung hăng thường phản tác dụng do gây ra sự phẫn uất và hành vi gây hấn một cách thụ động từ chính những người mà bạn đang cố kiểm soát.
 
Thay vì cam chịu và hung hăng, phương pháp giải quyết tốt nhất nằm ở khoảng giữa hai điều này. “Điểm ngọt ngào” trong giao tiếp và hành xử được gọi là có lập trường.
 

Có Lập Trường: Sự Hài Hòa Giữa Cam Chịu Và Hung Hăng (Passivity and Aggression)
 

Có lập trường là một kỹ năng tương tác giữa các cá nhân, trong đó bạn bộc lộ sự tự tin tích cực, có thể lên tiếng và tranh đấu cho quyền lợi của mình, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của người khác.
 
Khi có lập trường, bạn thẳng thắn và thành thật với mọi người. Bạn không lảng tránh vấn đề hay trông chờ mọi người đọc được suy nghĩ về những điều mình mong muốn. Nếu cảm thấy khó chịu về điều gì đó, bạn sẽ nói ra; nếu muốn hoặc cần điều gì, bạn sẽ yêu cầu. Bạn làm tất cả những điều này trong khi vẫn giữ được thái độ lịch sự và bình tĩnh.
 
Kỹ năng này cũng cần bạn hiểu rõ rằng dù mình có thể đưa ra yêu cầu hoặc nói lên quan điểm, nhưng người khác có quyền thoải mái từ chối hoặc không đồng ý. Bạn không cảm thấy khó chịu hay tức giận khi điều đó xảy ra. Bạn vẫn tự chủ và trao đổi để đi đến một thỏa hiệp nào đó. Khi giữ vững lập trường, bạn hiểu có thể bạn không có được điều mình muốn. Tuy nhiên, bạn sẽ học được rằng đưa ra yêu cầu không những không làm mình tổn thương, mà còn thật sự hữu ích.
 

Những Ích Lợi Của Việc Có Lập Trường
 

Các mối quan hệ được cải thiện. Những nhà nghiên cứu về hôn nhân và các mối quan hệ nhận thấy lập trường là một trong những đặc tính chủ yếu cần thiết cho cả hai bên để mối quan hệ bền vững và tích cực. Nếu cảm thấy những nhu cầu của mình không được đáp ứng, một người sẽ nảy sinh lòng oán trách đối phương (dù đó là lỗi của người này vì không nói ra nhu cầu của mình).
 
Thấy bớt căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy những người tập giữ vững lập trường ít bị căng thẳng hơn những người không tập. Khi có lập trường, bạn từ chối những yêu cầu mà nếu đảm nhận sẽ khiến bạn ôm đồm nhiều việc. Bạn cũng không còn lo lắng do quá bận tâm đến những gì người khác nghĩ về những lựa chọn/ưu tiên/yêu cầu/quan điểm của mình. Bạn cảm thấy làm chủ được cuộc đời mình.
 
Tự tin. Khi có lập trường, bạn có sự tự chủ. Thái độ và hành vi của bạn được kiểm soát bởi những hành động hoặc quyết định của chính bạn, chứ không phải của người khác. Việc biết mình có thể tạo ra những thay đổi để cải thiện tình huống là một yếu tố thúc đẩy sự tự tin tuyệt vời nhất.
 
Ít phẫn uất hơn. Khi lập trường vững vàng hơn, các mối quan hệ của bạn sẽ trở nên thú vị hơn. Bạn sẽ không còn phải chuốc lấy bực bội khi đồng ý với một yêu cầu hay quyết định để làm hài lòng người khác. Khi làm điều gì đó, bạn làm vì bạn thật sự muốn làm, hoặc bạn cho rằng việc đó là một phần của sự cho đi và nhận lại tự nhiên trong các mối quan hệ.
 

Làm Thế Nào Để Có Lập Trường Hơn
 

1. Tạo Tư Duy Giữ Vững Lập Trường
 

Theo kinh nghiệm của tôi, việc trở nên có lập trường hơn trước tiên đòi hỏi bạn phải thay đổi tư duy. Bạn cần loại bỏ bất kỳ niềm tin sai lầm hoặc giới hạn nào đang kìm hãm mình trong việc trở nên có lập trường. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn có được tư duy đúng đắn.
 
Thiết lập giới hạn. Bước đầu tiên để bớt dễ dãi là thiết lập ranh giới. Giới hạn là những nguyên tắc và giới hạn mà một người đặt ra cho chính mình, nó cho người khác biết những cách hành xử nào được mình chấp nhận. Những người cam chịu thường không tạo ra giới hạn và cho phép người khác lấn lướt họ.
 
Wayne Levine gọi những giới hạn là N.U.T, hay Non-negotiable, Unalterable Terms (Các nguyên tắc bất di bất dịch). N.U.T là những điều bạn quyết tâm duy trì: gia đình, sức khỏe, niềm tin, sở thích, tâm trạng của mình... Theo Levine, “N.U.T là những giới hạn định nghĩa con người bạn, những giới hạn mà nếu bạn thỏa hiệp hết lần này đến lần khác, dần dần – nhưng chắc chắn – sẽ biến bạn thành một người cau có, khó chịu.
 
Nếu không biết N.U.T của mình là gì, hãy dành chút thời gian tìm hiểu. Một khi đã biết, hãy quyết tâm từ đây về sau mình sẽ không bao giờ thỏa hiệp những điều đó.
 
Chịu trách nhiệm về những vấn đề của chính mình. Người Tốt chờ người khác giải quyết những vấn đề của họ. Một người có chính kiến hiểu rằng những vấn đề của mình là trách nhiệm của mình. Nếu bạn thấy cần thay đổi điều gì đó trong đời, hãy hành động. Nếu bạn không hài lòng điều gì trong cuộc sống của mình, hãy bắt đầu thực hiện các bước – dù nhỏ – để thay đổi mọi thứ.
 
Đừng trông đợi mọi người đọc được suy nghĩ của mình. Người Tốt mong người khác sẽ nhận ra những nhu cầu và mong muốn mà mình không phải nói ra. Nếu bạn muốn điều gì đó, hãy nói ra; nếu có gì khiến bạn khó chịu, hãy lên tiếng. Đừng bao giờ đinh ninh rằng mọi người biết rõ từng nhu cầu hay mong muốn của bạn. Điều đó không dễ dàng nhận thấy như bạn nghĩ.
 
Hãy hiểu rằng bạn không chịu trách nhiệm về cảm xúc và hành vi của người khác. Cả người cam chịu lẫn người hung hăng đều có cùng một vấn đề: họ đều nghĩ mình phải chịu trách nhiệm về cảm xúc và hành vi của người khác – chỉ là họ thể hiện khác nhau.
Người hung hăng nhận lấy trách nhiệm về hành vi và cảm xúc của người khác bằng việc áp đặt ý muốn của mình thông qua sức mạnh thể chất, tinh thần và cảm xúc.
 
Người cam chịu nhận lấy trách nhiệm bằng việc liên tục ưu tiên ý muốn của người khác trước của mình. Những người cam chịu cảm thấy nghĩa vụ của họ là đảm bảo mọi người được vui vẻ, cho dù điều đó có nghĩa là bản thân họ phải chịu đựng.
 
Một người có lập trường thừa nhận họ không có việc kiểm soát hay bận tâm đến hành vi của người khác và cho rằng họ chỉ chịu trách nhiệm về hành vi và cảm xúc của mình. Bạn sẽ không tin được mình sẽ thấy bớt căng thẳng và lo âu nhiều thế nào một khi hiểu được điều này đâu. Bạn sẽ không còn lãng phí hàng tiếng đồng hồ hồi hộp lo lắng về việc người khác có hài lòng với lựa chọn hay quan điểm của mình hay không.
 
Điều này không có nghĩa bạn nên trở thành một người vô tâm thô lỗ và không quan tâm đến cảm xúc/hoàn cảnh của người khác. Mà điều đó nghĩa bạn không cần phải nhiệt tình và chu đáo đến mức không đưa ra bất cứ yêu cầu nào hoặc lên tiếng bảo vệ các giá trị của mình để không gây khó chịu hay làm tổn thương người khác. Hãy để họ quyết định việc họ có cảm thấy khó chịu hoặc tổn thương hay không. Đó là trách nhiệm của họ, chứ không phải của bạn.
 
Chịu trách nhiệm về những kết quả từ lời nói/hành động có chính kiến của mình. Việc đòi hỏi quyền lợi cho mình có thể sẽ làm mất lòng người khác, và có thể sinh ra những hệ quả xấu. Nhưng một phần trong việc trở nên có lập trường là chịu trách nhiệm về những hệ quả đó, bất kể chuyện gì xảy ra. Việc đối diện với hệ quả thì tốt hơn rất nhiều so với việc phải sống một cuộc sống đầy trở ngại và lo lắng.
 
Để có lập trường thì cần thời gian. Đừng nghĩ bạn sẽ trở nên có chính kiến một cách kỳ diệu chỉ đơn giản bằng việc đọc bài viết này. Chính kiến cần có thời gian và cần rèn luyện. Bạn sẽ gặp chuyện này chuyện kia. Hãy cứ kiên trì nỗ lực; rồi bạn sẽ thành công.
 

2. Thể Hiện Lập Trường Trong Hành Động

Một khi bạn đã hình thành được tư duy này, sau đây là cách thức để thật sự bắt đầu trở nên có lập trường.
 
Bắt đầu từ những việc nhỏ. Nếu ý nghĩ nói lên ý kiến của mình làm bạn vô cùng sợ hãi, hãy bắt đầu bằng những tình huống ít rủi ro. Ví dụ, nếu bạn gọi bánh hamburger, nhưng bồi bàn lại mang ra bánh phô mai nướng, hãy cho anh ta biết về sự nhầm lẫn và trả nó lại. Nếu bạn đang cùng vợ chạy việc vặt bên ngoài vào cuối tuần và đang phân vân tìm một nơi để dùng bữa, đừng chỉ chiều theo cô ấy một cách vô thức, mà hãy đề cập nơi bạn muốn đến.
 
Một khi bạn đã cảm thấy thoải mái trong những tình huống ít rủi ro như thế, hãy bắt đầu tăng dần mức độ.
 
Từ chối. Trong hành trình trở nên quyết đoán hơn, “lời từ chối” là người bạn tốt nhất của bạn. Hãy bắt đầu từ chối thường xuyên hơn. Lời đề nghị có mâu thuẫn với giới hạn cá nhân không? Hãy từ chối. Thời gian biểu đã kín hết rồi phải không? Hãy trả lời, “Không, cảm ơn.” Bạn không cần phải trở nên thô lỗ để làm điều đó. Bạn có thể kiên quyết từ chối trong khi vẫn ân cần. Lúc đầu, việc từ chối có thể khiến bạn rất áy náy, nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy dễ chịu, và tự do thật sự.
 
Có phải một số người sẽ thất vọng khi bạn từ chối họ? Có thể. Nhưng hãy nhớ rằng miễn là bạn bày tỏ những nhu cầu của mình một cách tế nhị, bạn không phải chịu trách nhiệm về phản ứng của họ. Bạn không cần cảm thấy tội lỗi vì đối xử với bản thân bình đẳng như họ.
 
Hãy đơn giản và trực tiếp. Khi đòi hỏi quyền lợi cho mình, nói ít sẽ hiểu nhiều. Hãy giữ cho những yêu cầu và ưu tiên của mình đơn giản và trực tiếp. Không cần giải thích dài dòng hoặc kết luận quanh co.
 
Đề cập đến mình. Khi đưa ra yêu cầu hoặc thể hiện sự từ chối, hãy đề cập đến mình. Thay vì nói, “Em quá vô tâm. Em không hề biết hôm nay ở công ty anh đã làm việc vất vả đến mức nào. Tại sao em lại bắt anh làm mấy việc lặt vặt này nữa?” thì hãy nói, “Hôm nay anh mệt quá. Anh hiểu em muốn làm cho xong mấy việc này, nhưng ngày mai anh mới có thể làm được.” Những ví dụ khác về cách nói “Tôi”:
 
“Em quá phụ thuộc và thích kiểm soát.” “Anh thấy thất vọng khi em làm cho anh có cảm giác tội lỗi vì ra ngoài chơi với bạn bè.”
 
“Anh luôn làm em bẽ mặt khi chúng ta về thăm bố mẹ anh.” “Em cảm thấy xấu hổ khi anh làm em mất mặt trước bố mẹ anh.”
 
“Những yêu cầu của anh thật vô lý!”. "Tôi thích anh gửi cho tôi thông báo ít nhất 3 ngày trước khi yêu cầu tôi làm việc vào cuối tuần hơn.”
 
Khi thảo ra những cách nói “Tôi”, cẩn thận đừng đưa những lời kết tội vào hoặc diễn giải hành vi của người khác. Điều đó sẽ chỉ khiến họ chống đối và dè chừng. Ví dụ:
 
“Tôi cảm thấy anh đang cố tình tỏ ra thô lỗ chỉ để chọc tức tôi.”
 
“Tôi nghĩ anh đang muốn đánh nhau.”
 
Đừng xin lỗi hay thấy tội lỗi vì bày tỏ nhu cầu/mong muốn/quyền lợi. Trừ khi đang yêu cầu điều gì đó rõ ràng là vô lý, không lý nào bạn phải thấy tội lỗi hoặc xấu hổ khi bày tỏ nhu cầu hay mong muốn của mình. Vì thế, đừng xin lỗi khi bạn đưa ra một lời đề nghị. Cứ lịch sự yêu cầu điều đó và chờ xem người khác phản ứng thế nào.
 
Người Tốt sẽ cảm thấy tội lỗi ngay cả khi thể hiện sự bất mãn về một điều gì đó mà họ đang chi trả cho nó! Nếu bên cung cấp không thực hiện việc mà họ đã thỏa thuận, bạn có quyền yêu cầu điều chỉnh lại sao cho đúng. Điều đó không liên quan đến việc cư xử lịch sự hay không làm tổn thương cảm xúc của người đó – nó chỉ là công việc kinh doanh và đó là cách công việc này vận hành.
 
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói một cách tự tin. Hãy tỏ vẻ tự tin khi đưa ra một yêu cầu hoặc nói về điều mình ưu tiên. Hãy thẳng thắn, nói khéo một chút, tươi cười, giữ biểu cảm bình thường và nhìn thẳng vào người đó. Ngoài ra, hãy chắc chắn nói rõ ràng và đủ lớn để làm sáng tỏ quan điểm của mình. Những người cam chịu có khuynh hướng nói thì thào và lẩm bẩm khi trình bày quan điểm và nhu cầu; điều đó chỉ khiến người khác thấy khó chịu.
 
Bạn không phải thanh minh/giải thích về quan điểm/lựa chọn của mình. Khi đưa ra quyết định hoặc nói lên quan điểm mà người khác không tán thành, cách mà họ cố chi phối bạn là yêu cầu bạn đưa ra lý lẽ chứng minh cho lựa chọn/quan điểm/hành vi của bạn. Nếu bạn không thể nghĩ ra một lý do đủ tốt (theo cách nhìn của người khác), thì xem như bạn đồng ý với điều họ muốn.
 
Người Tốt – với nhu cầu làm hài lòng người khác của mình – sẽ thấy có trách nhiệm đưa ra lời giải thích hoặc lý lẽ chứng minh cho từng lựa chọn họ đưa ra, dù người khác không yêu cầu. Họ muốn đảm bảo mọi người hài lòng với những lựa chọn của họ – thực chất là họ đang xin phép người khác để được sống cuộc đời theo cách họ muốn. Đừng làm thế.
 
Tập dợt. Hãy diễn thử tình huống mà bạn định đòi hỏi quyền lợi cho mình. Chắc chắn chuyện đó thật buồn cười, nhưng hãy luyện tập những điều bạn sẽ nói và cách nói trước gương. Điều đó giúp ích đấy.
 
Hãy kiên trì. Đôi khi, bạn sẽ đối mặt với những tình huống mà mọi người từ chối bạn trong lần đầu tiên bạn yêu cầu. Đừng vội bỏ cuộc và nói, “Ồ, mình chẳng thể làm gì khác. Ít ra mình đã thử.” Đôi khi để được đối xử công bằng, bạn phải kiên trì. Hãy cứ điềm đạm, bình tĩnh và tự chủ suốt sự việc. Ví dụ, nếu bạn gọi cho dịch vụ khách hàng nhưng họ không xử lý vấn đề của bạn, hãy hỏi xem bạn có thể nói chuyện với người quản lý không. Hoặc nếu chuyến bay của bạn bị hủy, hãy tiếp tục yêu cầu những lựa chọn khác, như được chuyển sang hãng hàng không khác, để bạn có thể thu xếp đến nơi đúng giờ.
 
Hãy thận trọng với những lời khuyên mà bạn đọc được trong một số quyển sách nói về lập trường, những quyển sách đó khuyên bạn tiếp tục yêu cầu cùng một việc hết lần này đến lần khác cho đến khi người đó xiêu lòng và thực hiện điều bạn muốn. Đó không phải là kiên trì, mà là ăn vạ.
 
Hãy điềm tĩnh. Nếu có người không đồng ý hoặc thể hiện sự phản đối với lựa chọn/quan điểm/yêu cầu của bạn, đừng tức giận hoặc chống đối. Hãy phản ứng tích cực hoặc quyết định không tiếp xúc với người đó nữa.
 
Hiểu người hiểu mình. Sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải trên hành trình có lập trường hơn là lúc nào cũng cố giữ vững lập trường. Giữ vững lập trường còn tùy thuộc vào tình huống và bối cảnh. Có thể có những trường hợp khi sự ương ngạnh sẽ chẳng đưa bạn đi đến đâu, mà giữ thái độ nhẫn nhịn hoặc hung hăng thì lại là phương án tốt hơn.
 
Làm sao biết được khi nào bạn nên hoặc không nên đòi quyền lợi cho mình? Bạn cần khám phá điều đó qua việc luyện tập và áp dụng một số kiến thức thực tiễn.
 
Tiến sĩ Robert Alberti và Michael Emmons, hai tác giả của quyển Your Perfect Right, đưa ra vài câu hỏi để bạn cân nhắc trước khi quyết định giữ vững lập trường:
 
Ưu tiên đó quan trọng với bạn đến mức nào?
 
Có phải bạn đang mong đợi một kết quả cụ thể hay chỉ đang thể hiện bản thân?
 
Có phải bạn đang mong đợi một kết quả tích cực? Hay việc đòi quyền lợi của bạn làm mọi việc tệ hơn?
 
Bạn có cảm thấy khó chịu nếu không tranh đấu?
 
Những hệ quả tiềm ẩn và những rủi ro thực tế nào sẽ nảy sinh từ việc giữ lập trường của bạn?
 

Làm Thế Nào Để Đối Phó Với Những Người Đã Quen Với Hình Ảnh Người Tốt

 
Nếu bạn là một người dễ dãi trong phần lớn cuộc sống của mình, những người xung quanh có thể sẽ cản trở nỗ lực trở nên có chính kiến của bạn. Họ quen với việc bạn là một người nhẫn nhịn và thoải mái với mối quan hệ có bạn trong vai người cam chịu. Đừng tức giận hay chán nản nếu gia đình, bạn bè và đồng nghiệp nghi ngờ hay thậm chí cố cản trở cách bạn tiếp nhận cuộc sống theo hướng mới. Đó là phản ứng hoàn toàn bình thường. Bạn chỉ cần nhớ rằng dù sự xáo trộn tạm thời xuất hiện cùng với việc sống có lập trường có thể gây khó chịu và lúng túng, nhưng về lâu dài bạn và những người xung quanh sẽ thấy thoải mái hơn.
 

Kết Luận
 

Có lúc bạn chắc chắn cần kìm nén cảm xúc và cứ hành động thôi. Việc đó thể đó là rửa bát, cắt cỏ hay thậm chí hoàn thành bản báo cáo. Tuy nhiên, học cách nói lên quan điểm của mình, và quan trọng hơn, tôn trọng giá trị của những quan điểm và mong muốn đó, sẽ giúp bạn trở thành một người tự tin hơn. Kết quả của hành động có chính kiến có thể là bạn sẽ đạt được chính xác điều mình muốn, hoặc một sự thỏa hiệp, hoặc một lời từ chối, nhưng dù kết quả thế nào, điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy mình kiểm soát cuộc đời mình nhiều hơn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, và biến lập trường thành một phần con người bạn.
 
Tất cả chúng ta có thể nghĩ đến những người xung quanh, những người mà chúng ta biết họ rất có chính kiến. Với một chút thực hành và rèn luyện, bạn có thể trở thành người mà mọi người nghĩ đến và nhờ cậy mỗi khi họ có việc cần được giúp đỡ.
Bạn nên đọc
Quảng cáo