- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng học
- > "Không phải là hãy xách ba lô lên và đi mà là hãy xách ba lô lên và đi du học"
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
"Không phải là hãy xách ba lô lên và đi mà là hãy xách ba lô lên và đi du học"
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng học
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 26/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Có lẽ không ít người hay đi du lịch thường gặp phải sự phản đối từ gia đình và bạn bè xung quanh. Tuy nhiên, trong cuốn sách viết về du lịch bụi của mình mang tên Ta balo trên đất Á, phượt thủ nổi tiếng Rosie Nguyễn đã cho thấy sự thực không hoàn toàn phải như vậy. Mà thực tế, du lịch có nhiều kiểu, và đâu phải kiểu du lịch nào cũng là chơi bời phí tiền và hưởng thụ. Ngược lại, không phải người nào đi du học cũng nhằm mục đích học tập phát triển bản thân.
Với sự đồng ý của tác giả, mình xin chia sẻ cùng bạn đọc một phần nội dung của cuốn sách để chúng ta có hiểu hơn về chuyện du lịch và du học cũng như trả lời cho câu hỏi liệu việc "Hãy xách ba lô lên và đi du học" có là sự lựa chọn đúng đắn cho người trẻ. Một lần, tôi đọc được bài phỏng vấn một người Việt trẻ, anh bảo: đất nước còn nghèo, mà chỉ lo hưởng thụ, với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chỉ lo đi chơi thì làm sao đất nước khá lên. Cuối bài phỏng vấn, anh kết luận: "Không phải là hãy xách ba lô lên và đi mà là hãy xách ba lô lên và đi du học".
Du học.
Thẳng thắn mà nói thì tôi không hề phản đối chuyện đi du học (bản thân tôi cũng đã từng có dự định đó trước đây). Nếu gia đình bạn khá giả, hoặc nếu bạn có điểm số đủ xuất sắc để lấy học bổng, bạn thực sự yêu thích ngành học bạn sắp nộp đơn, và bạn có định hướng rõ ràng sau khi tốt nghiệp, thì ok, bạn nên đi du học. Còn nếu như bạn chỉ có số điểm vừa khá, bạn không chắc mình nên học ngành gì, mà gia đình bạn phải tiêu tốn khoản tiết kiệm nhiều năm trời để bạn thực hiện ước mơ du học, thì theo tôi đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
Việc du học ngày nay gần như là một kiểu mốt, không ít các bạn trẻ du học theo trào lưu, chỉ vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, muốn có được tấm bằng quốc tế, hơn là mong muốn đào sâu nâng cao kiến thức. Khi quyết định đi du học, thiết nghĩ ta nên cân nhắc thật kỹ về định hướng nghề nghiệp và chất lượng kiến thức của bằng cấp mà ta đang theo đuổi, cũng như bài toán về lợi nhuận dự kiến và những chi phí cơ hội mà mình sẽ bỏ qua trong quá trình du học. Đừng đi du học theo trào lưu, để rồi trở về hầu như tay trắng.
Tôi biết không ít em du học sinh, sau khi du học về bỗng trở nên lạc lõng. Tiếng Anh và các kỹ năng mềm không phát triển hơn bao nhiêu,môi trường làm việc và tình hình trong nước các em không nắm rõ,cầm tấm bằng nước ngoài chẳng biết làm gì, vì đa số các công ty Việt Nam không cần nhân viên với bằng cấp quốc tế, ít kinh nghiệm mà lại yêu cầu mức lương ngất ngưởng. Cuối cùng, các em ấy đành chấp nhận mức lương thử việc sáu bảy triệu một tháng, chẳng biết bao giờ mới lấy lại được số vốn ban đầu.
Ngày nay, giáo dục đã không còn mang tính phi thương mại như trước. Ngược lại, nó đã trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền. Nếu cân nhắc không kỹ, có khi ta phải trả một cái giá rất cao cho tấm bằng với chất lượng không tương xứng. Thực tế là chi phí học đại học và sau đại học đã trở nên đắt đỏ đến nỗi nhiều thanh niên Âu Mỹ lựa chọn những phương án tiết kiệm hơn để bổ sung kiến thức, mà du lịch là một trong những cách đó.
Du lịch.
Nếu mong muốn của bạn là để nhìn ngắm thế giới, biết thêm về những nền văn hóa khác nhau, kết bạn với nhiều người, thì du lịch bụi là dành cho bạn.
Trở lại với luận điểm của một số người rằng: đất nước mình còn nghèo, mà chỉ mơ xách ba lô lên và đi thì làm sao khá hơn được. Tôi xin khẳng định: điều đó không đúng.
Theo chiều dài lịch sử loài người, văn minh thuộc về những kẻ chinh phục.
Bạn có biết vì sao các nước Châu Âu lại hùng mạnh như bây giờ? Vì văn hóa di chuyển đánh đông dẹp bắc từ ngàn năm nay đã ăn sâu vào máu họ. Lịch sử châu Âu từ xưa cho thấy sự giao lưu thông thương của các quốc gia trong vùng khá mạnh mẽ, ngành đóng tàu và đường sắt phát triển, người Châu Âu đi lại các nơi, khám phá các nước lân cận, gặp gỡ bạn bè từ các quốc gia khác. Đọc sách về châu Âu từ mấy trăm năm trước thấy rất phổ biến hình ảnh trong một tửu quán ở một bến cảng nào đó, những con người từ khắp nơi tụ lại, người Anh, người Pháp, người Đức, Thụy Sĩ, Na Uy... Tất cả tụ họp kể về những câu chuyện kỳ lạ ở những miền viễn xứ, cùng bàn đến những chuyến đi xa hơn, rồi lên tàu thăm viếng những vùng đất xa xôi. Cách suy nghĩ thực tiễn, khoa học và quyết tâm chinh phục khiến họ không ngừng khám phá, tìm tòi và cải tạo thế giới.
Bạn có biết vì sao nước Mỹ trở thành cường quốc chỉ sau vài trăm năm lập quốc? Bởi vùng đất đó tập hợp những con người lên thuyền vượt biển, bỏ lại Châu Âu cằn cỗi, mong ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không thiếu những tướng cướp, những kẻ phóng đãng ngông cuồng, những người ra đi vì tự do tín ngưỡng. Nhưng tất cả bọn họ đều có sức sống mạnh mẽ, ước muốn chinh phục, thay đổi hiện tại. Họ đều là những người yêu tự do, hùng cường, vững chãi và không sợ hãi. Tất cả những điều ấy tạo nên văn hóa Mỹ ngày nay, nơi chủ nghĩa tự do và nhân quyền được tôn trọng mạnh mẽ. Cái nồi thập cẩm của mọi thứ trên thế giới, của cải cách, của đa văn hóa, của sự hội nhập giữa các dân tộc với nhau. Họ vẫn đang tiến lên, vì bản chất của họ là những con người can đảm, vững vàng, dám đi dám nói, cường tráng hiên ngang như tổ tiên thời dựng bờ mở cõi.
Nếu Colombo không thoát khỏi cái nhung lụa vương giả của gia đình hoàng tộc Châu Âu và ra đi tìm đường vượt biển, ông đã không thể đặt chân lên Châu Mỹ. Nếu Marco Polo không nung nấu trong tim một niềm tin khám phá thế giới, ông đã không thể đến được Ấn Độ. Nếu người Mỹ không mang trong mình vận mệnh hiển nhiên là chinh phục những vùng đất mới và mở rộng bờ cõi về phía Tây, họ đã không có được biên cương mênh mông như bây giờ. Nếu thái tử Siddhartha Guatama không có những cuộc dạo chơi thăm thú cuộc sống thường dân nghèo khổ, chắc gì người đã thấm được sinh lão bệnh tử và ngộ được cái vô thường của kiếp người, chắc gì thế giới đã có đạo Phật hôm nay.
Còn Việt Nam, văn hóa lúa nước ổn định và địa thế hiểm trở khiến con người ta sống yên ổn trong môi trường của mình. Người Việt cần cù chăm chỉ, nhưng cũng ít những sáng tạo đột phá, tư duy cục bộ, nên không thể có những phát minh thế kỷ.
Mà ngay cả cha ông ta, những người thích an cư, không ham phiêu lãng viễn xứ như những đồng loại phương tây, cũng đã đúc kết: "Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn".
Ngày nay, người ta ít có cơ hội tham gia vào các cuộc viễn chinh, chinh phạt, hay những chuyến đi khai phá hay di cư tìm miền đất mới. Vậy thì tự đi du lịch để mở rộng tầm mắt là một cách để ta phát triển bản thân.
Bạn sẽ hỏi: đi du lịch bụi để làm gì.
Đi du lịch, trước tiên là để có thêm kiến thức. Đi là một cách học. Khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều. Thực ra, trong môi trường quen thuộc, mắt ta như bị che bởi một tấm màn vô hình, không thấy được những điều mới lạ ở ngay quanh mình. Nếu chắc rằng có thể giữ được cái nhìn của người lữ khách ở ngay chính quê nhà, thì không cần đi xa cũng học được điều mới. Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào người ta cũng làm được điều ấy.
Du lịch bụi là để rèn giũa những kỹ năng của mình, cách tìm kiếm thông tin, cách tổ chức và lên kế hoạch, cách giao tiếp với người khác, cách sống tự lập và bảo vệ bản thân. Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những câu chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống thực dạy ta sinh động hơn bất kỳ sách vở nào.
Đi là một cách để vượt qua sức ỳ của bản thân.Vì rằng thân thể và bộ óc của chúng ta đều là những cơ bắp, chúng sẽ không phát triển nếu ta không sử dụng. Nên mỗi chuyến đi là cơ hội để tận dụng mọi khả năng của mình, phát hiện thêm sự kỳ diệu của năng lực con người. Khi đi, ta hiểu rõ thêm về chính mình và tiến xa hơn trên hành trình tinh thần.
Bạn sẽ hỏi: "Du lịch bụi dạy cho tôi điều gì?"
Sau nhiều năm đi du lịch bụi, tôi rút ra rằng điều quan trọng nhất mà du lịch bụi đã dạy cho tôi là những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của cuộc sống mà tôi có thể chưa biết, hoặc đã lãng quên.
Có đi mới thấy thiên nhiên nhiệm mầu thế nào, mới biết mình bé nhỏ hạn hẹp ra sao. Trên đường đi, tôi ngộ ra rằng kiếp người chỉ như một hạt bụi trong sa mạc, và mình chẳng là gì trong thế giới hằng hà sa số này. Những lo lắng muộn phiền của mình chẳng là gì trong cái xoay vòng hàng triệu năm của vũ trụ. Hơn thua rồi cũng chẳng để làm gì, tự ái và căm giận chẳng để làm gì. Đã làm người trên đời, máu ai cũng màu đỏ, tim ai cũng biết đau. Nên người hay đi có cái thường có cái tâm rộng mở và nhân ái, biết đau cái đau của người khác, và nhẹ nhàng hơn với con người.
Có đi mới thấy được cái say mê của người lữ hành, thấy cuộc sống huyền diệu tràn đầy trải ra trước mắt. Chứng kiến cái diệu kỳ của tạo hóa, chứng kiến vẻ đẹp của vũ trụ, người ta mới biết nên trân quý những khoảnh khắc an hòa biết bao nhiêu. Và tôi chợt nhận ra, rằng mỗi người có nuôi dưỡng bình an trong tim, thì trái đất mới thật sự yên bình. Vậy nên, thay vì kiểm soát người khác, cái mà mỗi con người nên quan tâm kiểm soát vào mỗi phút giây, là hơi thở của mình, là ý nghĩ của mình, là hành động của mình.
Đi để biết thấm thía và trân quý hai tiếng "đồng loại". Người ta thường chỉ trích, thù ghét người khác vì nghĩ họ khác mình. Trên đường đi, tôi cảm được cái tình của người lữ hành, thấy mình là một mắt xích, một thành viên trong dòng chảy xuyên suốt của những người đi trước và sau tôi, tất cả hòa làm một như sợi dây kết nối con người với nhau, quyện chặt và bền bỉ.
Đi để học cách sống đơn giản, nhẹ nhàng, ít quan tâm góp nhặt vật chất, chú trọng vào phát triển tinh thần. Nếu ai cũng sống như những người lữ hành, biết yêu quý và hòa hợp với thiên nhiên, biết sống xanh và sạch, tiêu thụ ít hơn và đóng góp nhiều hơn, thì trái đất này sẽ nhẹ hơn biết bao nhiêu.
Người đi du lịch bụi là người không thích cuộc sống trầm lặng bình ổn, luôn xê dịch để tìm những điều mới mẻ, độc đáo, muốn trải nghiệm những phong cảnh tuyệt mỹ núi cao rừng thiêng, làm bạn với những tính cách phi thường, những tình cảm mãnh liệt. Khi cái chủ nghĩa xê dịch thấm vào máu, ta không thể dừng đi, không thể sống cuộc sống bình thường được nữa.
Bởi vậy, hãy đi du lịch đi. Hãy nuôi dưỡng khát vọng lên đường, bởi khi bạn mong muốn được đi, đó là một tín hiệu đáng mừng của nền văn minh.
Du học và du lịch.
Thế thì không nên đi du học à, bạn sẽ hỏi. Không, nếu có điều kiện thì vẫn nên du học. Còn nếu bạn thích du lịch, thì cứ đi khi có thể, đừng để những định kiến của xã hội vùi lấp đi niềm say mê của bạn. Du học và du lịch, nếu biết đi đúng cách, thì ta sẽ có được nhiều trải nghiệm quý báu cho đường đời. Đôi khi điều quan trọng không phải là làm gì, mà quan trọng là làm như thế nào.
Thực ra, du học và du lịch không nên đối chọi, mà nên bổ sung cho nhau. Có rất nhiều bạn du học sinh, tranh thủ thời gian rảnh đi du lịch thăm thú xung quanh, nên càng nâng cao được vốn sống. Điển hình cho trường hợp này là anh Nguyễn Chí Hiếu, hay Hiếu "chí mén", cựu học sinh Lê Quý Đôn - Bình Định, cựu sinh viên học viện LSE - Anh Quốc, sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, tiến sĩ đại học Stanford Mỹ, hiện đã về nước làm việc tại Yola Việt Nam. Trong thời gian du học, anh đã kịp lái xe dọc nước Mỹ, đi bụi ở Hy Lạp, ghé thăm Nhật Bản, đi khắp Đông Nam Á, ngủ ở châu Phi. Có cơ hội tiếp xúc, mới biết anh là một người cởi mở và khiêm tốn, một con người tràn đầy năng lượng, một cuộc sống phong phú với những thói quen thú vị về du lịch, piano, múa đương đại, chụp ảnh...
"Thế giới không ngừng thay đổi, và người Việt trẻ cũng không ngừng đi lên. Với làn sóng của những người trẻ Việt đam mê du học và du lịch, ngày càng vươn mình ra xa, hòa vào dòng chảy địa cầu và tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa, tôi tin vào một tương lai tươi sáng, khi họ trở về, xây dựng Việt Nam giàu đẹp, xứng đáng với vị trí chiến lược của đất nước hình chữ S." - Rosie Nguyễn