- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng sinh tồn
- > Kỹ năng sinh tồn phần 9: Săn bắn, đánh bắt và tìm kiếm lương thực nơi hoang dã - P1
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Kỹ năng sinh tồn phần 9: Săn bắn, đánh bắt và tìm kiếm lương thực nơi hoang dã - P1
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng sinh tồn
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 29/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Nói sơ qua một chút về khả năng săn bắn. Ba yếu tố tạo nên một thợ săn lành nghề ở đây là: Kinh nghiệm, phản ứng và kỹ thuật. Trong thực tế tôi xin mạn phép đưa thêm vào 1 yếu tố đó là khả năng sát sinh, có vẻ hơi trừu tượng nhưng rõ ràng là bạn biết tôi đang nói đến cái gì phải không?
Bạn không nỡ nhẫn tâm bóp cò súng hay dã man hơn là cắt cổ một con vật tội nghiệp khi nhìn vào mắt nó? Điều đó chứng tỏ bạn là một người rất nhân từ. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, sự nhân từ lại biến thành thói mủi lòng kiểu đàn bà. Và điều đó sẽ làm bạn phải hối hận rất nhiều khi đôi lúc không phải bạn chỉ sống cho bản thân mình mà còn có gia đình, thậm chí cả một tập thể đang trông chờ vào biểu hiện của bạn…
Riêng phần này tôi cảm thấy viết bao nhiêu cũng không đủ nhưng nếu viết ra hết thì quả là quá dài dòng. Tôi sẽ đi ngay vào những kĩ năng chính của một Hunter, những yếu tố mang tính chất ” nhập môn” tôi xin cắt bớt và nói vào một dịp khác có thể.
1. Khả năng phán đoán con mồi
Một thợ săn pro thì chẳng bao giờ lùng sục tất cả mọi nơi mình có thể tìm được với cái tâm lý cầu may cả, vừa tốn sức vừa tốn thời gian. Vẫn 1 câu: nắm bắt đối phương, biết mình biết ta trăm trận trăm thắng.
Bạn biết khu vực này là nơi sinh sống của loài thú này, khu vực kia là tổ của một loài chim nọ hay lộ trình đi ăn, đi uống nước của một vài loài thú. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng công việc săn bắt của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều…
Khả năng phán đoán, nhận biết con mồi không khó đào tạo. Bạn sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho mình sau vài ba lần đi săn (kể cả hụt)… Và hãy ghi nhớ lại điều đó cho lần sau.
Cái sự “biết mình biết ta” ở đây còn thể hiện ở nhiều điểm rất “tinh tế” khác, có nhiều thứ chưa biết sẽ làm bạn bất ngờ. Kể cả khi đã biết mà cũng chẳng mấy người để ý vì chẳng phải lần nào cũng giống như lần nào. Ví như các loài thú đều có răng, kể cả loài sóc hay loài chuột và tất nhiên chúng hoàn toàn biết cắn để tự vệ. Ngay cả một con sóc nếu cắn cũng có thể gây những vết thương nghiêm trọng nếu nhiễm trùng. Một số loài động vật có vú thì tình mẫu tử của chúng rất cao, chúng bỏ chạy ngay khi nhìn thấy bạn nhưng nếu bạn bắt con non của chúng thì chúng sẽ quay lại tấn công bạn bằng mọi giá. Hay khi bị dồn vào chân tường, ngay cả loài vật hiền lành như nai, sơn dương cũng có thể trở nên rất “hổ báo”. Những loài sống thành bầy đàn còn biết “hợp đồng tác chiến” rất hiệu quả... Nói chung đây là một vấn đề hết sức phức tạp nhưng cũng rất thú vị để bạn có thể khám phá trong khoảng thời gian lưu lạc nơi hoang dã. Mỗi một sự kiện xảy ra sẽ làm phong phú thêm kho kiến thức và kinh nghiệm của bạn mà chẳng có giấy mực nào có thể dạy được… Hãy ghi nhớ lại điều đó cho lần sau.
2. Phát hiện con mồi
Phát hiện con mồi để đánh bắt, để đặt bẫy, để lẩn tránh… Ở đây tôi muốn nói đến khả năng “đọc” dấu vết mà một con vật để lại: Dấu chân, phần cỏ cây dập nát, đất bị đào xới như hang, tổ, phân, lông, nước tiểu (rất thường xuyên, một số loài còn có thói quen đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu), mùi đặc trưng và tiếng động…
Giống như trên, tự hình thành cho mình kiến thức về các loài động vật xung quanh bạn, chẳng có sách vở nào đủ để dạy bạn điều này.
3. Tiếp cận con mồi
Đây là một bước khó hơn đòi hỏi nhiều thứ thiên về kỹ thuật như di chuyển, đánh lừa, ẩn nấp và ngụy trang. Tuy nhiên những lời khuyên trong vấn đề này thì cũng có khá nhiều…
- Muốn tiếp cận con mồi thì tất nhiên phải làm cho chúng không phát hiện ra ta. Cách tốt nhất là ẩn nấp, hòa mình vào thiên nhiên từ màu sắc đến mùi hương.
- Quần áo đồng màu với cảnh vật xung quanh, không mang những thứ có khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời như đồng hồ, kính…
- Không mang những vật dụng có khả năng gây tiếng động như chùm chìa khóa.
- Các loài động vật thường có khứu giác rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn thị giác của chúng nên mùi của ta rất dễ bị phát hiện. Chúng có thể ngửi thấy mùi con người xung quanh khu vực có bẫy nên nếu có thể ta sử dụng bùn, mùi cây cỏ để khử đi mùi đó. Ta cũng có thể sử dụng nước tiểu của những con thú ta bắt được để dụ đồng loại của chúng vào bẫy.
- Không sử dụng dầu gió, nước hoa, hút thuốc lá khi đi săn.
- Tiếp cận con mồi từ hướng dưới gió, làm mất mùi cơ thể bằng bùn nhão.
- Nếu đủ chuyên nghiệp thì nhại tiếng kêu một số loài thú để dụ đồng loại của chúng đi vào bẫy, vào tầm ngắm. Nhưng không khuyến khích vì nếu nhại không giống thì lại phản tác dụng hoàn toàn.
4. Triệt hạ con mồi
Với những người chưa quen với việc giết hại một con vật nào đó thì sẽ dễ bị run tay, bắn trượt con vật chỉ cách mình vài mét hay tim đập mạnh, hơi thở dồn dập, đổ mồ hôi… Và lời khuyên ở đây là chẳng có lời khuyên nào cả. Thời gian sẽ dạy cho bạn sự chấn tĩnh trước việc này.
Nếu sử dụng súng hãy nhắm bắn vào đầu, cổ, xương bả vai để làm con vật tê liệt tại chỗ.
Nếu sử dụng cung nỏ thì nên tẩm độc nếu muốn săn những con thú lớn. Sử dụng loại mũi tên này phải cẩn thận và nếu bắn thì nên bắn vào vị trí gần tim để độc tính phát tác nhanh (Phần sử dụng độc dược tôi sẽ nói ngay phía dưới đây )
Trường hợp mà con thú lớn không giết được chúng ngay mà chỉ làm chúng bị thương, bỏ chạy thì bạn có thể lần theo vết máu để tìm ra chúng. Tuy nhiên phải cẩn thận vì con vật lúc này đang say máu, đôi lúc phản xạ trước khi chết của chúng rất bất ngờ và nguy hiểm, hãy cẩn thận để không làm mình bị thương mà mất cả chì lẫn chài…
Đến đây là có thể nói ta đã chấm dứt phần lý thuyết thợ săn chán ngán và có thể đi sâu hơn vào từng trường hợp cụ thể.
Săn bắt bằng bẫy
Đây là phương pháp săn bắt đầu tiên tôi đề cập đến vì nó khá đơn giản và hiệu quả. Chỉ cần đặt bẫy ở vị trí thích hợp, trong khi chờ con thú sập bẫy bạn hoàn toàn có thời gian làm việc khác. Bẫy cũng có nhiều loại, có loại giết chết con mồi ngay lập tức, có loại bắt sống con mồi nhưng tất cả đều dựa theo một vài nguyên tắc cơ bản. Vậy nên chỉ cần biết một vài loại bẫy căn bản bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra những loại bẫy khác nhau phù hợp với địa hình và hoàn cảnh nơi bạn sống.
Ngoài ra bạn cũng phải xác định đối tượng mình muốn đánh bẫy để có thể làm ra từng loại bẫy phù hợp. Bẫy thú lớn sẽ khác với các loại thú nhỏ, bẫy chim, bẫy thú dữ cũng sẽ khác nhau…
Nơi đặt bẫy – cách đặt bẫy
Xem thêm phần phát hiện con mồi để nhận biết nơi thích hợp đặt bẫy. Nói chung là bạn sẽ tự nhận ra được đâu là nơi tốt nhất để bẫy con mồi khi quan sát thực tế. Hầu hết là các con thú đều không ở cố định 1 chỗ. Vào những thời điểm khác nhau trong ngày, chúng sẽ đi kiếm ăn, đi uống nước, đi… giải khuây. Có một số loài thú còn hay lui tới 1 vị trí quen thuộc hay những con đường mòn mà do chính chúng tạo ra.
Dưới đây là một số nơi bạn có thể đặt bẫy và thường đạt hiệu quả cao:
- Những nơi có nguồn thức ăn phong phú
- Dọc theo 2 bên bờ suối
- Ao nước, hồ nước, vũng nước đọng lại vào mùa khô. Chắc chắn chúng sẽ đi qua để uống nước
- Những con đường mòn do thú tạo ra hay những nơi có dấu hiệu hang, ổ , địa bàn của chúng sinh sống.
- Những hẻm núi hẹp, hốc núi (nơi có tổ của nhiều loài chim)…
Thực ra nơi để đặt bẫy thì rất nhiều chứ không chỉ gói gọn trong một vài địa điểm trên. Hãy tin vào nhận định của mình chứ không chỉ làm theo sách vở. Thậm chí nếu không có thì bạn có thể tạo ra một nơi hợp lý để đặt bẫy. Ví dụ bạn thấy một con đường mòn mà có nhiều loài thú hay đi lại qua đó, tuy nhiên đặt bẫy lung tung khắp nơi thì không phải là một cách tốt. Vả lại ta cũng chẳng có thời gian làm nhiều bẫy như thế, đặt quá nhiều bẫy cũng làm cho khu vực đó trông mất tự nhiên, sẽ làm cho các loài thú nghi ngờ. Tuy nhiên nếu ta lợi dụng (hoặc cố tình tạo ra) 1 khúc cây đổ ngang đường chẳng hạn, 1 bẫy đặt bên phải, 1 cái bẫy đặt bên trái. Như vậy thì chắc chắn con thú nào muốn đi qua đó thì cũng sẽ vướng vào 1 trong 2 cái bẫy. Đây chỉ là 1 trong nhiều cách đặt bẫy đơn giản và hiệu quả, quan trọng là bạn phải biết lợi dụng địa hình. Và trên hết là phải để cho bẫy trông tự nhiên và không để lại dấu hiệu của bạn mà các loài thú có thể nhận ra được.
Ngoài ra, để tăng cơ hội khiến các loài thú mắc vào bẫy ta có thể sử dụng mồi nhử. Tuy nhiên để sử dụng thế nào cho đúng từng loại mồi nhử cũng là cả một nghệ thuật. Ví dụ ta đang nhắm đến một con nai thì chẳng ai lại đem cá ra làm mồi nhử, tương tự một vài loài thú ăn thịt nhỏ họ mèo như linh miêu sẽ không thèm để ý đến 1 quả táo… Có lẽ chuyện này thì ai cũng đã biết.
Tuy nhiên xét rộng ra thì chuyện không chỉ có thể. Ví dụ bạn dùng 1 bắp ngô để bẫy mà xung quanh lại mọc bạt ngàn ngô thì liệu nó có giá trị không? Nhưng 1 số thức ăn quá “lạ” cũng làm cho các con vật nghi ngờ. Lời khuyên ở đây là có thể dùng một vài loại thức ăn khác nhau để làm mồi nhử, bạn hãy xé nhỏ miếng mồi ra, phân tán ra xung quang bẫy và để phần lớn nhất vào bẫy. Con thú khi ăn thử mồi sẽ bị kích thích khẩu vị khiến nó thèm muốn và bị cuốn hút vào bẫy hơn.
Trường hợp mất mồi mà không dính bẫy, có thể một loài thú khác nhỏ hơn hoặc to hơn đã ăn nó. Xác định đối tượng và làm một cái bẫy phù hợp hơn, sử dụng chính loại mồi nhử vừa bị ăn đó.
Tóm lại cả một đoạn dài dòng ở trên vẫn bằng câu: Xác định đối tượng để biết nơi đặt bẫy, loại bẫy và sử dụng mồi nhử thích hợp.
Các loại bẫy
Khi xác định được con mồi là chim, là thú, là cá hay thậm chí là động vật nguy hiểm, bạn sẽ phải tạo ra một loại bẫy phù hợp để bắt chúng. Nguyên tắc của một cái bẫy dù lớn và phức tạp đến đâu thì cũng chỉ dựa vào những nguyên tắc sau: Đè dập con mồi, treo ngược con mồi lên, đâm xuyên con mồi, trói chặt con mồi (bẫy hầm sập nhốt con mồi dưới hố cũng được coi là một loại bẫy giữ chân), và làm nghẹt thở. Những cái bẫy có thể kết hợp 1 hoặc nhiều nguyên tắc trên để đạt được hiệu quả tốt nhất, ngoài ra nên sử dụng sức nén của dây, sức cong của các cành cây để làm năng lượng khiến cái khởi động một cách mau chóng.
Khi thiết kế 1 cái bẫy hãy nghĩ đến việc nó sẽ ảnh hưởng lên con mồi như thế nào, cách thức hoạt động của nó và điều gì sẽ làm nó kích hoạt.
Dưới đây là một số ví dụ:
1. Bẫy thòng lọng
Nói chung thì đây là một loại bẫy đơn giản: chỉ gồm một sợi dây chắc chắn được thắt theo kiểu thòng lọng tự thắt và đầu kia được cố định lại hoặc nối vào những cần bật có thể tạo lực bẩy, lực kéo. Loại bẫy này thường được thiết kế ở những con đường mòn nhỏ mà các loài thú hay đi lại, trước cửa hang hay trên thân cây. Hãy chắc chắn là cái thòng lọng đủ lớn để có thể tự do tròng vào cổ hay thân con vật. Nếu như con vật đi qua, cái thòng lọng sẽ xiết chặt cổ con vật lại. Con vật càng giãy giụa thì thòng lọng càng bị thắt chặt lại, nhưng nói chung loại bẫy này không thể giết chết được con thú. Vì vậy hãy cẩn thận khi bắt giữ chúng.
Buộc một chiếc thòng lọng tự thắt ngang một thân cây cứng, gác thân cây này lên các cành cây như ở vị trí như trong hình sao cho thòng lọng vừa với chiều cao của con vật. Như vậy, nếu có một con vật nào đó đi qua vị trí như trên thì chắc chắn chiếc thòng lọng sẽ siết chặt lấy cổ nó. Kể cả con vật mạnh mẽ và vùng vẫy đến đâu đi chăng nữa, có làm gẫy cách cành cây hay kéo lê thân cây đi thì thân cây vẫn bị mắc vào các thân cây, bui cây xung quanh. Một điều chắc chắn là con vật sẽ kẹt lại nếu mắc phải.
Tuy nhiên loại bẫy này cần một nơi hợp lý để thiết kế thòng lọng, đôi khi những chỗ thế này không dễ tìm thấy.
- Thòng lọng tự giật
Đây là một kiểu bẫy tự giật thông dụng. Sử dụng loại thân cây dẻo làm cần bật, cắt hết cành, lá đi để tạo lực bẩy tốt nhất.
- Bươc 1: Đóng 1 cái cọc gỗ gần thân cây như hình vẽ, cọc gỗ này để làm giá cố định thòng lọng bằng 1 cái chốt đơn giản. Có thể mắc thòng lọng lên các bụi cây, thân cây nhỏ xung quanh nhưng phải chắc chắn thòng lọng ko quá to hoặc quá nhỏ và phải nằm trên đường di chuyển của các loài vật.
- Bước 2: Níu cành cây xuống và buộc chặt vào đầu kia của thòng lọng, chú ý mắc vào chốt sao cho đủ chặt để cố định sợi dây nhưng khi con vật nào đó mắc phải thì chốt phải rời ra ngay lập tức.
- Bước 3: Các loài thú vật khi đi qua sẽ kích hoạt bẫy, thú nhỏ sẽ bị treo luôn trên cây còn các loài thú lớn hơn cũng bị giữ lại.
Chú ý ghi nhớ kiểu chốt tự giật đơn giản này. Bạn sẽ sử dụng đến nó nhiều đấy
- Bẫy thòng lọng các loài thú leo cây
Có nhiều loại thú leo cây nhỏ như sóc, chuột túi, gấu túi, nhím, khỉ, bò sát… Chúng có số lượng lớn và chất lượng thịt rất tốt nếu ko muốn nói là… đặc sản. Những loài thú leo cây này thì ít khi xuống đất để mắc vào các kiểu thòng lọng kiểu trên nhưng ta có thể thiết kế những chiếc thòng lọng kiểu khác ngay trên cây để bẫy chúng.
Sử dụng các loại dây leo đủ cứng để tự định hình thòng lọng nhưng cũng đủ mềm để có thể tự thít lại được. Trong tự nhiên có rất nhiều loại dây kiểu này như: dây mây, chão, gai, dây nho… hoặc bất kì loại dây rừng, dây kim loại nào có tính chất tương tự mà bạn có thể tìm được.
Dùng một thân cây nhẵn nhụi đã cắt bỏ hết cành lá bắc chéo lên các cây lớn nơi có nhiều loài vật sinh sống. Những thân cây đổ kiểu này rất được các loài vật sống trên cây như sóc, chuột túi nhỏ yêu thích vì nó khiến cho công việc leo từ dưới đất cây đơn giản hơn nhiều. Vì thế để có thể bắt được chúng trên thân những thân cây trên thiết kế hàng loạt những cái thòng lọng nhỏ như hình vẽ, chú ý hướng thòng lọng lên phía trên. Khi con vật đi qua nó sẽ mắc vào một trong những cái thòng lọng đó. Nếu cố gắng giãy giụa, chúng sẽ bị trượt chân và treo lủng lẳng như hình dưới.
Một điều khá lí thú là loài sóc mặc dù thấy đồng loại bị treo lủng lẳng như vậy nhưng chúng vẫn liên tục “đi vào vết xe đổ” đó mà không hề biết sợ. Vì thế nên ta có thể bố trí nhiều thòng lọng một chút, có thể bắt được vài ba con trên cùng 1 cái thân cây.
- Bẫy chim
Ở những khu vực như đầm nước, ao hồ thì nên bố trí những cái bẫy chim Ojibwa đơn giản kiểu này để bẫy các loại chim đến kiếm ăn. Chúng thường thích đậu lên những thanh gỗ, cành cây nằm ngang để nghỉ chân, ta có thể lợi dụng điều đó để thiết kế những cái bẫy như sau:
- Thanh gỗ 1 được nối với một sợi dây xỏ lỏng lẻo qua cái chốt 2 sau đó được buộc vào thanh dẻo 3 có có nhiệm vụ tạo lực bật.
- Chim đậu vào thanh 1 sẽ làm chốt lung lay không giữ được thanh 1 nữa. Thanh dẻo 3 lập tức kéo thanh gỗ 1 qua chốt 2 và kéo luôn dây được bố trí phía dưới mắc vào chân chim. Nếu lực bật mạnh quá thì có thể làm gẫy luôn chân chim.
Một cách khác là ta có thể sử dụng những thân cây vừa phải, gọt 1 phần nhỏ như hình vẽ, bẻ cong chúng xuống và cố định lại bằng 1 cái chốt như hình vẽ. Buộc sợi dây vào chốt, 1 đầu thắt thành thòng lọng và để lên phần vỏ cây
Tạo lực bẩy cho thòng lọng bằng cách níu 1 thân cây gần đó xuống và buộc đầu còn lại của sợi dây lên đó, chú ý căn lực vừa phải để không kéo luôn chốt lên.
Khi chim đậu lên mảnh vỏ cây, chốt sẽ bị rời ra do vỏ cây không còn cố định được nó nữa. Nó sẽ kéo thòng lọng và thít chặt chân chim lại.
- Dùng lưới
Nếu tạo ra được một chiếc lưới (xem phần cuối bài viết) thì hãy thiết kế lưới ở những vị trí như sau để bắt chim. Phần dưới lưới nên để trùng một chút để khi rơi xuống chim đập cánh loạn xạ sẽ càng bị mắc vào lưới hơn.
Một số loại bẫy khác dựa theo nguyên tắc bẫy thòng thọng:
Cách làm cũng không quá khó, bạn có thể kết hợp nhiều loại bẫy khác nhau và sử dụng mồi hay ngụy trang bằng lá cây để tăng hiệu quả.
2. Bẫy đè
Đây là loại bẫy khá hiệu quả với những con vật cỡ vừa và nhỏ. Những con vật đủ lớn thì khá thông minh và khỏe mạnh nên dù có bị đè nặng chúng vẫn có thể thoát ra được.
Dưới đây là một kiểu bẫy để bẫy các loài thú kích thước trung bình như cáo, sói, lợn rừng…
Còn đây là kiểu bẫy nhỏ hơn dành cho các loại thú nhỏ. Chú ý nhìn kĩ cách đặt chốt để khi con thú ăn mồi sẽ làm phiến đá sập xuống đè lên chúng. Loại bẫy này dùng thức ăn để dụ chúng sập bẫy nên nhất thiết phải có mồi.
3. Bẫy Cung tên
Thực ra đây là một cái bẫy rất nguy hiểm đối với con người và tính hiệu quả của nó cũng chẳng hơn các loại bẫy khác là bao nên tôi cũng không khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên tôi muốn đưa ra loại bẫy này vì ngoài công dụng tự động bắn chết con mồi đi ngang qua mắc vào dây mà nó còn có tác dụng bảo vệ khu vực mà ta mong muốn. Biết đâu đấy, vì 1 lý do nào đó mà bạn phải bảo vệ 1 vị trí nào đó mà không muốn bất kì con thú hoang nguy hiểm hay kẻ lạ mặt nào đó xâm nhập, hãy nhớ đến cái bẫy này.
Chẳng có cái “định luật” nào dám khẳng định đốt lửa lên thì các loài thú dữ không dám đến gần cả
Tôi xin nhắc lại đây là loại bẫy rất nguy hiểm đối với con người, chỉ tiếp cận nó từ phía sau của bẫy. Bố trí những cảnh báo nhắc nhở ở quanh khu vực đó cho người khác và cả chính mình biết. Nếu nhóm của bạn có nhiều người thì tốt nhất không nên lắp đặt loại bẫy này. Nhất thiết không được coi nó như 1 trò chơi!
4. Giáo đâm lợn (Pig spear shaft)
Tương tự như trên, đây cũng là một cái bẫy nguy hiểm nên khi sử dụng phải chú ý. Với lực bật đủ mạnh, nó sẽ xiên qua bất kì con thú nhỏ nào như lợn, cáo đi ngang qua và gim vào thân cây đối diện. Thông thường các con mồi sẽ chết ngay lập tức.
5. Bẫy hố cổ chai đơn giản với 30s thiết lập
Đây là một cái bẫy đơn giản và hiệu quả đối với những loài thú nhỏ như sóc, chuột, nhím… và các loài găm nhấm khác. Dựa vào đặc tính của những loài này là thích chui rúc vào những kẽ hẹp, khe hẹp. Hãy tạo ra một cái khe hẹp như thế giống hình vẽ bằng một phiến đá đủ lớn và vài viên đá nhỏ. Nếu ở 1 nơi trống trải mà bạn làm 1 cái bẫy kiểu này, khi mấy con sóc, chuột đi qua mà thấy có động chúng sẽ lập tức rúc vào để trốn và khả năng rơi xuống bẫy là rất cao. Và tất nhiên khi rơi xuống bẫy, do cấu tạo dốc đặc biệt và phiến đá đè ở trên nên chúng sẽ không thể nào trèo lên được.
Chú ý: Tuy nhiên cái bẫy này cũng là nơi rất yêu thích của loài rắn. Khi kiểm tra bẫy phải thật chú ý.
6. Bẫy hầm sập
Loại bẫy tốn khá nhiều thời gian và công sức để thiết lập, chỉ dùng để săn những loại thú thực sự lớn. Cấu tạo của nó cũng không có gì đáng để nói: Một cái hố đủ lớn, nắp hố được gác lỏng lẻo bằng các loại cành cây và ngụy trang cẩn thận, dưới hố có thể cắm chông để tăng sát thương hoặc giết chết con thú ngay lập tức.
(Còn nữa)
-
Cách xác định phương hướng chỉ qua một vũng nước
-
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống
-
Kỹ năng sinh tồn mà ai cũng cần phải biết để cứu sống nhiều người
-
Vạch trần những lầm tưởng về 10 kỹ năng sinh tồn giúp bạn thoát chết
-
Kỹ năng sinh tồn khi bị chôn sống trong quan tài