- Trang chủ
- > Sách
- > Gia đình
- > Làm mẹ ở Việt Nam là khổ nhất?
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Làm mẹ ở Việt Nam là khổ nhất?
- Tác giả:
- Thể loại: Gia đình
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 01/01/1970
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Em bé sơ sinh còi, mẹ bị nói là sữa nóng. Em bé ăn dặm còi, mẹ bị nói là không biết chăm con. Con bỏ ăn, mẹ bị chê là nấu dở. Con ti ít bị nói là sữa mẹ hết chất.
Nếu người ta hỏi làm mẹ ở đâu là khổ nhất? Chắc tôi nói Việt Nam. Tại sao làm mẹ ở Việt Nam lại khổ? Khổ vì luôn nơm nớp sợ con bị bắt cóc, bắt nạt, bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc đồ chơi, bị lạm dụng, tai nạn giao thông, bị phản ứng vắcxin rởm, nhiều thứ sợ. Tôi còn quá ngớ ngẩn và lạc quan kiểu người sống được thì ta sống được nên nhiều khi không lường hết những nỗi sợ tràn lan trên báo kia. Thế mà tôi vẫn sợ, sợ thứ khác vô hình hữu ngôn.
Tôi sợ sự phán xét. Sinh ra một đứa con là điều thần kỳ, nếu sinh được con khỏe mạnh không sao, con yếu ớt hoặc có dị tật, người ta sẽ nói do mẹ đã không biết kiêng, không ăn thực phẩm lành mạnh, hoặc kinh dị hơn là ăn ở không tốt. Người mẹ chịu chưa hết cú sốc vượt cạn thì bị ngay cú sốc khác khó vượt hơn nhiều, đó là miệng lưỡi người ta. Cứ nhìn cách người ta phê phán một diễn viên nổi tiếng với vài tấm ảnh hiếm hoi chụp cùng con trai là biết họ nguy hiểm thế nào rồi. Người ta mà, chẳng trách nhiệm, chẳng tình thương, chẳng thân quen, họ nói gì chẳng được. Mình nghe hay không tùy mình, phớt lờ sao chẳng được. Cái đáng sợ là người thân, người nhà, vì thân quá, thương quá nên thành ra xét nét quá.
Em bé sơ sinh còi, mẹ bị nói là sữa nóng. Em bé ăn dặm còi, mẹ bị nói là không biết chăm con. Con bỏ ăn, mẹ bị chê là nấu dở. Con ti ít bị nói là sữa mẹ hết chất. Con chậm nói, mẹ bị quy kết là không biết hát kể chuyện, tâm sự với con. Con chậm lẫy, mẹ bị nói là không cho con đủ vitamin D. Con chậm bò là do mẹ không biết cách hướng dẫn. Con chậm đi là do mẹ không nâng đỡ. Còn con mà đi nhanh thì mẹ lại quá hấp tấp để con đi sớm, con yếu xương sẽ vòng kiềng, mặc váy không được. Con nhai kém, rõ ràng là vì mẹ bắt ăn xay nhiều, nhưng nếu cho con ăn thô vội thì là "mẹ mìn" chứ còn gì nữa. Con chưa răng nhai sao được mà cho con ăn, nó hóc, nghẹn, bỏ ăn, đói, còi, thương nó.
Tại sao không ai nghĩ đơn giản hơn? Con còi vì lười ti, vì con lười ăn, con nghịch, con ham chơi. Con bỏ ăn không vì mẹ nấu dở mà con tự nhiên hôm nay chán món đó rồi. Con chậm nói vì lúc đó con bận phát triển kỹ năng khác như đi, chạy. Con chậm lẫy vì yếu cổ mà đầu lại phát triển hơi quá. Con chưa bò giỏi vì cơ bụng chưa đủ gồng. Con chưa đi vì chân chưa vững, sợ ngã. Con đi vội vì thích thế. Người ta lớn, người ta" đu bàn đứng dậy sáng lòa", rồi bước đi hiên ngang, đó là cái quyền của người ta, sao ba mẹ lại ép ngồi. Con nhai kém là vì lười, nuốt ực cho nhanh, còn con đòi nhai sớm vì con thích vậy. Người ta lớn rồi, cái hàm nó chắc rồi thì nhai, cần gì răng, cứ thử cho ngón tay vào xem, người ta nghiến cho bằng cái hàm lợi toàn là lợi.
Em bé là do mình sinh ra nhưng tính cách do nó tự tạo. Nó cũng là một cá thể riêng biệt, phát triển tính cách rất đàng hoàng và sắc nét từ bé. Không phải vì con mới vài tháng tuổi là không biết gì. Ngược lại, con biết rất nhiều và có quyền quyết định xem hôm nay ăn hay không ăn, chơi hay không chơi, đi hay bò, ngủ hay không ngủ. Có ngày con tự nhiên chẳng thích ăn gì hay làm gì cả vì con hâm đơ hoặc rơi vào tuần Wonder week. Ba mẹ tôn trọng con, sao người ta không tôn trọng ba mẹ.
Tại sao cái gì cũng là lỗi của người mẹ? Tất nhiên người mẹ sẽ không hỏi sao không đổ lỗi cho cả ba nó? Vì người mẹ biết mình đang bị án oan, sao còn bắt người khác chịu cùng. Người mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ dành gần như 22/24h cho con, 2h còn lại hoặc dọn dẹp nhà hoặc ưỡn ẹo vặn người cho đỡ đau lưng. Dường như sự tận tụy ấy là chưa đủ. Người mẹ sau 6 tháng có thể đi làm, thấy người nhẹ tênh vì đẩy được bao phần trách nhiệm và mệt mỏi cho người khác. Người mẹ sau 6 tháng có thể ở nhà vẫn dành 22/24h chăm con và bị lên án cho những cái u đầu hay xước mắt. Tòa án lương tâm của người mẹ mỗi đêm lại dấy lên khi thấy một vết đỏ trên tay con hay vết thâm ở chân. Người mẹ ôm con ngồi khóc, một giọt nước mắt thương con, một giọt nước mắt sợ hãi bị phát giác.
Áp lực của người lớn tuổi giống như túi ép chân không, người mẹ bị nhốt trong đó tới ngạt thở, mệt mỏi quên cả tình thương, chỉ còn nhớ trách nhiệm. Nhiều người mẹ sợ hãi mà không còn sự thành thật, họ giấu những điều không hay và chỉ khoe những điều kỳ vọng. Người lớn tuổi lười bận tâm tới cảm xúc người mẹ, họ chỉ quan tâm tới đứa nhỏ yếu thế cần bảo vệ - đứa nhỏ mà họ dành cho tình thương nhiều vô vàn. Họ la mắng mà quên mất điều: mẹ mới là người thương con nhất. Họ quên mất mình từng là người mẹ có con nhỏ, ngơ ngác trước bao điều mới, mắc phải những sai lầm, luôn áy náy vì mình chưa đủ tốt với con, luôn tìm hiểu để nuôi con được đúng đắn nhất, luôn lo lắng cuống cuồng trước những triệu chứng nhỏ nhặt, luôn khóc trước cả con khi thấy con vấp té, luôn thương con hết mình và hơn bản thân. Lâu quá, họ quên rồi, quên thật rồi, là do tuổi già hay do cách nghĩ mình lớn tuổi, mình thông thái, cách nuôi con của mình là đúng nhất, mình cần phải định hướng, chấn chỉnh, áp đặt. Có khó không khi nói những lời động viên? Có khó không khi giảm bớt những phán xét? Người mẹ, họ chỉ muốn thương con, chăm con bằng hết tình yêu thương của mình, đừng đổ thêm cho họ những áp lực.