• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kỹ năng mềm
  • > Tôi chọn tôi dại khờ
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Tôi chọn tôi dại khờ

Tôi chọn tôi dại khờ

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kỹ năng mềm
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 01/01/1970
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Cái giá trị nhất của mỗi cá nhân, gia đình, công ty và lớn hơn nữa như dân tộc, quốc gia chính là lòng tin. Dù cứ phải trả giá cho vài giây phút dại khờ. Nhưng không sao cả. Vì không có lòng tin, xã hội sẽ không nhân văn. Không có lòng tin, kinh tế sẽ không thể phát triển. Một dân tộc không tin nhau thì không thể cùng nhau đi xa.

1. Ở biển hồ Galilee, có một tảng đá khắc câu nói nổi tiếng (được cho) của thánh Peter, người nói với chúa Jesus "Tôi tin ngài, dù không hiểu - I totally trust in you, even when I don't understand". Người đời sau đi du lịch đến hồ Galilee thường ăn cá St Peter, một loại cá do ông nuôi (hoặc đánh bắt) ngày xưa. Thánh Peter hay ông Abraham hơn người ở chỗ đã có một đức tin sắt son mà không thể dùng bằng chứng hay logic để lý giải. Nếu mọi thứ phải được lý giải rõ ràng thì mới tin, thì khoảng cách từ trái đất đến mặt trời không thể ngẫu nhiên một cách lý tưởng vậy để có thể có sự sống. Einstein- bộ óc xuất sắc nhất của loài người kim cổ, người phát minh ra thuyết tương đối và người đặt nền móng của nhiều tiến bộ khoa học hiện đại ngày nay, cũng đã từng nói như vậy ở lúc cuối đời. Người thường thì nói "thấy mới tin" nhưng thật ra, phải tin thì mới có cơ hội THẤY.
 
Ở chân núi Hoa Sơn cách thành Tây An không xa (Tây An là kinh đô và các bạn có thể thấy dấu tích của các nhân vật độc đáo trong lịch sử như Tần Thuỷ Hoàng, Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên, Đường Minh Hoàng...) có tảng đá khắc một câu chuyện lạ. Đó là Tần Thuỷ Hoàng, người thống nhất Trung Hoa, mang tiếng là bạo chúa. Và là bạo chúa nên Tần Vương đối mặt với hàng ngàn lần ám sát hụt. Các nước chư hầu tìm mãi mới ra được 1 dũng sĩ, mình đồng da sắt, nhanh nhẹn mưu trí hơn người, cuối cùng cũng lọt được vào cung. Tuy nhiên khi chạm mặt nhau, khi lưỡi gươm của dũng sĩ đã đặt trên cổ Tần Thuỷ Hoàng, thì bỗng dưng dũng sĩ nghĩ khác. Dũng sĩ nói, "ông đã bức hại cha mẹ tôi, bà con tôi. Tôi đã luyện kiếm mấy chục năm nay chỉ để mối thù riêng. Nhưng bây giờ, khi chạm mặt, tôi xin lỗi tất cả những người đã kỳ vọng vào tôi. Chỉ có ông là người có thể thống nhất được thiên hạ, còn tôi chỉ giỏi hơn ông về kiếm pháp. Tôi và những người thân của tôi thật bé nhỏ". Nói rồi dũng sĩ quay mũi gươm tự kết liễu đời mình. Tần Vương không bất ngờ, phong dũng sĩ đó làm anh hùng, trong lòng không nguôi nhớ thương người tri kỷ. Những lần ông đốt sách hết để thống nhất chữ viết, rồi mang tiếng bạo chúa với thiên thu, ông biết chỉ có 1 người hiểu ông, người mà đã chạm mặt với ông trong một lần ngắn ngủi, và với trực giác cá nhân, đã tin ông trọn vẹn. Người dũng sĩ ấy đã chấp nhận đổi mạng mình cho Tần Vương để mưu cầu cái lớn lao hơn, đó là thống nhất thiên hạ, tránh đao binh bao nhiêu năm do loạn sứ quân.
 
2. Trên mạng, thỉnh thoảng lại có câu chuyện bạn trẻ cho tiền người ăn xin rồi sau đó đi theo quan sát, thấy họ giả vờ để được thương hại, nên tức giận, day dứt khôn nguôi, từ đó thấy hành khất thật giả gì cũng lạnh lùng. Có lẽ các bạn cũng không sai, cho thì luôn mong muốn mình cho đúng chỗ, đúng người. Nhưng cuộc sống không phải luôn luôn đúng như mình mong muốn, nếu chúng ta cứ nhìn đời sống bằng con mắt nghi ngờ, e rằng lòng nhân ái sẽ từ từ mất đi. Thôi, đã cho rồi, còn để ý chi nữa.
 
Cho, thì cũng phải biết quên.
 
Cho thì nên đặt niềm tin, phải có lòng tin. Nếu không tin, tốt nhất là không làm từ thiện. Nhiều người muốn hạn chế "sai sót" trong lòng tin, trước khi CHO hay thăm dò nghiên cứu, rồi xem xét rất cẩn thận, nhưng liệu có nên tốn thời gian như vây? Cho, là cho. Sắt son tin rằng, điều mình làm sẽ tạo ra thay đổi, có những thay đổi mà mình không lường trước được. Họ sử dụng sai mục đích, cũng có sao. Mình cứ sợ thì cuối cùng bỏ sót người cần. Cứ cho hết 10 người, chỉ 1 người cần nó, cũng là điều tốt, với cá nhân người đó. Cho Tần Vương sự sống thì biết đâu sau này sẽ cho mạng muôn người. Lịch sử đã tính rõ, từ lúc Tần thống nhất Trung Hoa, số người do Tần giết chết chỉ là tỷ lệ nhỏ so với chiến tranh loạn lạc trước đây.
 
Cứ cho 10 người, 1 người biết ơn cũng đã là quá tốt. Để ý chi đến 9 người kia mà thấy khó chịu trong lòng. Đã cho rồi mà, bạn ơi có hiểu được từ CHO? Làm từ thiện chính là làm cho mình. Cho mình sự thương yêu, lòng trắc ẩn. Và cả tính hào sảng. Họ dùng làm gì kệ họ, mình cứ tin là họ làm đúng, mình sẽ ăn ngon ngủ yên.
 
Lòng tin vô cùng cần thiết trong nhiều khía cạnh đời sống. Hôn nhân chẳng hạn, chọn vợ chọn chồng, cứ tìm hiểu rồi cưới. Cưới thì phải tin nhau. Chứ sao vợ chồng mà còn thậm thụt tiền bên ngoại tiền bên nội. Nhiều người vợ không cho chồng đi nhậu, đi mát xa cũng lỗi tại chồng, đã làm gì để cô ấy không tin như vậy? Và các cô vợ cũng vậy, đã chấp nhận cho chồng ra ngoài làm ăn sao lại cứ kè kè theo giữ? Phải tin chồng mình chứ. Nếu cho rằng chồng không đủ bản lĩnh từ chối cám dỗ thì giữ cũng không để làm gì ngoài thất vọng mà thôi.
 
Mọi thứ trên Trái đất này, trừ 4 tài sản riêng có của mỗi người là nhân cách, trí tuệ, thể lực, vốn sống... mọi cái khác là vật ly thân, càng giữ càng mất, càng tin càng được.
 
Nhiều bạn khởi nghiệp nhưng không thành, vì thiếu mất sự hào sảng. Đã nhận nhân viên vô làm thì phải tin họ. Sau thời gian thấy họ thay đổi so với ban đầu thì có thể yêu cầu thôi việc. Đừng tò mò dòm ngó, lục lọi email giấy tờ, dòm ngó các quan hệ cá nhân... khiến nhân viên ức chế mà mình ức chế còn nặng hơn. Việc coi FB cá nhân và suy diễn, suy đoán đời tư của người khác là 1 việc vô bổ, sau này về già sẽ thấy ân hận vì đã lãng phí thời gian.
 
Đối tác hùn hạp làm ăn cũng vậy. Đã giao dịch thì phải tin. Kiểm tra đã đời đi, rồi ký hợp đồng. Ký rồi phải tin nhau, không tin không làm ăn được. Bên mua thì sợ bên bán không giao hàng, giao hàng sai. Bên bán thì sợ bên mua không thanh toán, thanh toán không đúng hạn... Cuối cùng giao dịch không diễn ra. Làm 10 lần có thể mất 1 lần, không sao cả, mình càng có kinh nghiệm, nhưng đừng để mình mất lòng tin với mọi đối tác. Đầu óc chúng ta nên giữ bình yên phóng khoáng mới làm được điều hay chứ không thể ngồi thấp thỏm lo âu chỉ cho một đơn hàng, một giao dịch kinh tế.
 
Mọi sự tan vỡ trong mọi mối quan hệ như hôn nhân, tình bạn, làm ăn... đều bắt nguồn từ sự không tin nhau. Sẽ phải trả giá cho lòng tin. Rất nhiều là đằng khác. Nhưng thà như thế còn hơn. Vì người có lòng nghi ngờ thì không có gì, kể cả sự trải nghiệm.
 
3. Tuổi trẻ có gì? Tiền bạc ít, tri thức thì đang lĩnh hội từ từ, trải nghiệm cũng ít, kinh nghiệm sống cũng ít, địa vị xã hội cũng chưa... chỉ có cái nhiệt tình tuổi trẻ. Vậy thì hãy nhiệt tình cống hiến, nếu bạn không muốn cống hiến, thì bạn còn lại gì để gọi là tuổi trẻ? Đã "cống" đã "hiến" thì cứ phải quên đi. Cống chút lương cho trẻ em vùng núi thì khó chịu, sợ tổ chức từ thiện nó ăn mất nên cuối cùng không gửi đồng nào. Hiến chút máu cho cộng đồng thì đòi "hạch toán chí phí, lãi lỗ thế nào, sao lấy máu của tôi cho tôi có hộp sữa cân đường mà lại bán máu cho bệnh nhân" trong khi họ không hề biết là chi phí xử lý 1 đơn vị máu tới hơn 1 triệu và giá bán ra quy định cho bệnh nhân là dưới 500.000 đồng, Nhà nước vẫn đang bù lỗ.
 
Muốn làm nên nghiệp lớn, cứ phải có lòng tin và sự hào sảng. Dù ai đó chê là ngu, chê dại, chê khờ, kệ họ. Vẫn cứ tin người dù bị lừa, chấp nhận điều đó, sẽ thấy tâm trí thoải mái hơn. Lại bị lừa nữa rồi, và vui vẻ tiếp tục yêu đời. Tiếp tục tin người. Đặt cược hết ván này đến ván khác vào những người trẻ thế hệ sau. Lẽ nào trong ngàn người, không có 1 người đủ trình và đức? Tần Thuỷ Hoàng tưởng cả đời cô độc quạnh hiu, cuối cùng cùng tìm ra được 1 dũng sĩ kia mà. Như bài viết này, chắc trong thiên hạ vẫn có người hiểu và làm được. Lẽ nào ai ai cũng đắm mê sở hữu và sợ mất, nên không dám tin người?
 
4. Cái giá trị nhất của mỗi cá nhân, gia đình, công ty và lớn hơn nữa như dân tộc, quốc gia chính là lòng tin. Dù cứ phải trả giá cho vài giây phút dại khờ. Nhưng không sao cả. Vì không có lòng tin, xã hội sẽ không nhân văn. Không có lòng tin, kinh tế sẽ không thể phát triển. Một dân tộc không tin nhau thì không thể cùng nhau đi xa.
 
Steve Jobs, thiên tài trong thế kỷ này, có nói: "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ". Hay Lão Tử từng nói, "người mà không có lòng tin trọn vẹn, người không có đức tin, thì không đáng tin cậy".
 
(2015)
 
 
Bạn nên đọc
Quảng cáo