• Trang chủ
  • > Sách
  • > Sức khỏe
  • > Vết phồng nước trên da
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Vết phồng nước trên da

Vết phồng nước trên da

  • Tác giả:
  • Thể loại: Sức khỏe
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 02/06/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Bạn thường thấy vết phồng này xuất hiện trên gót chân khi mang một đôi giày chật, trên tay khi làm việc nhiều (cầm dao chặt xương, cầm búa đóng đinh, cầm tua-vít vặn ốc trong một thời gian dài). Nhìn chung, phồng nước là một hiện tượng hết sức phổ thông mà ai ai trong chúng ta cũng đã từng biết qua ít nhất một đôi lần trong đời.

Những mẹo vặt dưới đây giúp bạn giảm bớt sự đau đớn, tránh nhiễm trùng và phòng ngừa vết phồng.

Nên chích lấy nước ra hay không?
Việc này tùy vào mụn nước lớn hay nhỏ. Nếu nhỏ, bạn nên để tự nhiên, vì việc chích lấy nước ra có thể làm vết phồng bị nhiễm trùng.
Nếu vết phồng lớn và chứa nhiều nước, ở những chỗ dễ bị va chạm, bạn nên chích lấy nước ra. Như vậy, dù có va chạm, vết phồng cũng không bị đau đớn và không bị lớn thêm (do nước trong đó bị ép lan qua những phần da chung quanh).

Làm thế nào để chích lấy nước ra?

Nếu quyết định lấy nước từ vết phồng ra, bạn nên theo những thủ tục vệ sinh tối thiểu để tránh nhiễm trùng. Cần sát trùng bằng rượu cồn phần da chung quanh vết phồng và dụng cụ dùng để châm hoặc cắt lấy nước ra. Bạn cũng có thể nướng cây kim hoặc lưỡi dao cạo trên lửa cho đến khi đỏ lên, chờ cho nguội lại rồi bắt đầu cắt hay châm để lấy nước ra. Nên cẩn thận không để các dụng cụ này làm bị thương phần da non bên dưới vết phồng. Khi dùng kim hoặc dao cạo, cần cắt đủ lớn để nước có thể chảy hết ra ngoài. Không nên cắt quá lớn, và cũng không nên lấy lớp da bị phồng ra. Làn da bên dưới chỗ da bị phồng là da non, nếu bạn lấy lớp da phồng bảo vệ bên trên, chỗ da non sẽ rất rát và dễ bị nhiễm trùng hơn. Làn da phồng này sẽ dần dần cứng lại và tự nó rụng đi.

Lưu ý: Nếu nước chảy ra từ chỗ phồng không được trong và có mùi hôi, vết phồng của bạn đã bị nhiễm trùng. Cần đến ngay bác sĩ. Trường hợp không nghiêm trọng lắm, bạn có thể dùng các loại thuốc bôi sát trùng như Neosporin, có bán tại các tiệm thuốc tây. Trên thị trường cũng có những loại thuốc sát trùng chứa iodine hoặc camphor-phenol. Những chất này có thể sát trùng nhưng cũng sẽ làm vết thương lâu lành hơn vì chúng giết chết những tế bào non của da. Vì vậy, khi mua thuốc, nên đọc kỹ nhãn hiệu và bảng thành phần cấu tạo của thuốc.

Cẩn thận hơn, sau khi lấy nước ra, nên dùng một miếng băng keo (band-aid) dán lên vết phồng. Loại bằng vải tốt hơn loại bằng plastic. Nên tháo băng ra khi đi ngủ ban đêm để không khí có thể luân lưu ở vết phồng, sẽ mau lành hơn.
Trường hợp băng bị ướt khi tắm hay rửa tay, không nên để lâu, hãy thay băng khác.

Các biện pháp phòng ngừa

Từng bị một vết phồng, hẳn bạn đã biết qua cảm giác khó chịu, đau rát của nó; nhất là khi vết này ở chân, và bạn phải mang giày va chạm thường xuyên. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, biện pháp hay nhất là ngăn ngừa không để bị phồng. Những cách sau sẽ giúp bạn ít nhiều:
- Mang tất và dùng bột thoa trẻ em: Việc mang giày không có tất thường làm chân dễ bị phồng hơn. Nếu đôi giày hơi chật nhưng vẫn phải mang, nên dùng tất dày và thoa một lớp phấn em bé (baby powder) vào chân trước khi mang tất. Lớp bột này giúp cho tất bảo vệ chân bạn triệt để hơn.
- Dùng tất mới cho giày mới: Đôi giày này chưa êm chân và có thể làm chân bạn bị phồng. Vì thế, nên mang một đôi tất mới và dày (tất cũ thường bị mòn ở những chỗ cọ xát nhiều). Nên thoa thêm bột baby powder nếu giày không được thoải mái lắm.
- Không dùng tất vải: Tất làm bằng vải thường không êm và co giãn nhiều như tất len hoặc tất làm bằng chất acrylic. Chất vải cũng thường mất tính đàn hồi khi bị thấm nước hay mồ hôi. Các tài liệu y học ghi nhận, các vết phồng trên chân những người mang tất vải thường to gấp 3 lần những người mang tất loại co giãn nhiều.

Bạn nên đọc
Quảng cáo