- Trang chủ
- > Sách
- > Tình yêu
- > Vợ chồng và chữ Nhẫn
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Vợ chồng và chữ Nhẫn
- Tác giả:
- Thể loại: Tình yêu
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 01/01/1970
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ sống với nhau rất nhiều năm. Vào những ngày cuối đời, bà phải nằm trong viện dưỡng lão.
Một hôm, khi biết rằng bà sắp phải chia tay với mình, ông hỏi bà có điều gì dặn dò ông không.
Bà đáp:
“Ông hãy lấy hộp giày tôi đang để dưới giường. Trong đó tôi cất một món đồ mà lâu nay tôi giấu ông.”
Ông chồng khệ nệ bưng hộp giày lên. Ông hỏi:
“Trong đây có gì mà xưa nay, tôi thấy bà luôn đem theo bên mình. Vì tôn trọng nhau nên tôi không mở ra xem.”
Bà đáp:
“Trong đây có một con búp bê nhỏ và một số tiền tôi dành dụm được.”
Ông hỏi tiếp:
“Tại sao bà lại có con búp bê và số tiền này?”
Bà trả lời:
“Trước khi tôi về nhà chồng, mẹ tôi có dặn tôi rằng khi nào tôi giận ông, tôi đừng nói năng chi, chỉ cần đem len ra đan một con búp bê.’
Nghe bà giải thích xong, ông tự tay mở hộp ra và thấy một con búp bê. Nước mắt đầm đìa, ông nói với bà:
“Hóa ra mấy mươi năm chung sống với tôi, bà chỉ giận tôi một lần thôi!”
Rồi ông hỏi tiếp:
“Còn số tiền này, bà nói đã dành dụm được. Làm sao bà có được số tiền lớn như thế này?”
Bà đáp:
“Đó là số tiền tôi bán những con búp bê tôi đan khi giận ông!”
Ông nghe xong, hiểu ngay bà đã giận ông rất nhiều lần, nhưng nhờ nghe lời mẹ dạy, bà không làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
-----------------------
Câu chuyện trên cho chúng ta đôi điều để học trong cuộc sống hằng ngày. Khi chúng ta giận, nếu không có việc gì khác để làm, chúng ta sẽ dồn hết tâm sức để “chăm sóc” nỗi giận ấy. Làm vậy chẳng khác nào chúng ta tự đầu độc, hay tự sát. Vì thế, khi những tâm hành có tính tiêu cực như lo âu, phiền muộn có mặt, chúng ta nên tìm việc khác mà làm.
Đây là một pháp tu thể hiện sự trân quý đời sống của chính mình bằng cách không gieo hạt giống mang tính tiêu cực vào tâm thức, và không tạo điều kiện cho tâm hành tiêu cực xuất hiện, tàn phá đời sống của chúng ta và của người thân.
Câu chuyện còn dạy cho chúng ta biết trong “động” rất dễ có được “tĩnh”. Khi bà vợ giận chồng, bà dùng công việc “động” đan búp bê đễ giữ được tâm “tĩnh”.
Chúng ta cũng vậy, khi chân tay hoặc trí óc làm việc, tâm của chúng ta rất dễ yên.
Ngược lại, nếu chúng ta không làm chi cả, tình trạng “vô công rồi nghề” rất dễ phát sinh “nhàn cư vi bất thiện”; chúng ta dễ làm những điều vụng về, làm tổn thương đời sống mình, và đời sống những người chung quanh.
Do vậy, là người ham tu, mỗi ngày chúng ta nên kiếm cơ hội để vận động chân tay và trí óc. Làm được vậy, chúng ta vừa có cơ thể khỏe mạnh, vừa có được tâm an.
Một khi chúng ta có năng lực từ tâm tịnh lạc, năng lượng đó dễ dàng lây lang trong môi trường xung quanh, khiến người thân cũng được hưởng lợi, hoặc khiến người thân thay đổi hướng thượng như ý mình muốn.
Tóm lại, chúng ta đến nhân gian này, người quen cùng kẻ lạ, tất cả gặp nhau một chút rồi chia tay.
Từng ngày hãy gieo vào tâm thức những hạt giống thiện lành, thay vì phá hoại cuộc sống mình và người bằng những tâm hành tiêu cực!
Hãy sống hết lòng với nhau để khi phải chia tay, chúng ta không hối hận vì đã gây phiền muộn biết bao nhiêu lần cho người thân; khiến mỗi lần giận, người thân phải đan một con búp bê. Giống như ông chồng trong câu chuyện, khi nước mắt đầm đìa xin lỗi vợ, lúc ấy đã quá muộn.
Từng ngày gieo hạt giống lành thiện đâu phải là đạo lý cao siêu của nhà Phật, chỉ là quan niệm sống bình thường mà người thông minh nào cũng làm được.