• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kỹ năng sinh tồn
  • > [Kỹ năng sinh tồn] Phần 1: Bị lạc nơi hoang dã
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 1: Bị lạc nơi hoang dã

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 1: Bị lạc nơi hoang dã

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kỹ năng sinh tồn
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 29/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Phần đầu tiên của chuyên đề, chúng ta sẽ bàn tới những kỹ năng cần thiết đề sinh tồn trong một số tình huống khó khăn như phải tự mình kiếm thức ăn nước uống phòng vệ để sống sót càng lâu càng tốt.

Ngày nay, có thể nói là các bạn đã gặp và tiếp xúc rất nhiều qua phim ảnh, sách truyện, game… những tình huống tai nạn, thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần hay chiến tranh, nạn khủng bố… bạn cũng đã thấy những tình huống thoát hiểm ngoạn mục hay những cái chết rất khủng khiếp cả trong phim và game.

Hầu hết  trước đây mọi người đều cho rằng điều này là những tình huống giả tưởng được tưởng tượng ra cho mục đích giải trí. Nhưng càng gần đây, càng nhiều người cho rằng nó là quan trọng và thực tiễn. Ở Mỹ và Châu Âu có rất nhiều khóa học kĩ năng sinh tồn được mở ra và thu hút rất nhiều học viên, những khóa học này không chỉ đào tạo những kĩ năng sinh tồn mà còn đào tạo kinh nghiệm đối mặt với hiểm nguy, sự ổn định tâm lý và cách thức bảo vệ sức khỏe...

Ở đây tôi không có tham vọng tóm tắt cả khóa học đó lại trong chỉ một vài bài viết. Cái tôi muốn đưa ra ở đây đó là những kiến thức căn bản để bạn đủ tự tin để suy nghĩ mưu cầu đến sự sinh tồn: “Bạn sẽ sống sót trong mọi tình huống. Từ trong sa mạc, trong rừng thẳm, vùng băng tuyết, ngoài biển khơi, chiến tranh…hay thậm chí là cả nạn zombie…Chỉ với 1 con dao nhỏ hoặc không có gì. Với kinh nghiệm và sự tỉnh táo bạn có thể tự tin tìm ra cách để mình sống sót mà không buông xuôi một cách dễ dàng như đa số người khác sẽ làm”.

Ở Việt Nam không có băng tuyết, ở Việt Nam không có sa mạc, không có động đất hay sóng thần. Tôi không phủ nhận điều đó nhưng bạn có chắc là mình sẽ không một lần bị lạc, bị tai nạn khi đi du lịch, đi công tác xa hay thậm chí là bạn phải tìm kiếm một thứ gì đó ở  một vùng đất xa lạ hoang vu mà bạn không hề biết. Bạn chắc chắn cả đời mình sẽ không lâm phải cảnh đó? Ở Nhật Bản khi động đất người ta sẽ tạm thời chui xuống gầm bàn nhưng ở Việt Nam có nên làm như thế không? Làm thế nào để bạn có nước, lửa và lương thực trong một tình huống bi đát và bất ngờ ? Hay “lãng mạn” hơn một chút khi đặt mình vào những nhân vật trong phim “Lost” hay “2012” bạn sẽ làm thế nào???

Trang bị cho mình những kiên thức về tự nhiên và kĩ năng sinh tồn sẽ làm bạn có tâm lý tự tin và luôn sẵn sàng để đối mặt với những tình huống hiểm nghèo mà tự nhiên và cả con người đem lại cho bạn. Bạn không muốn buông xuôi chứ?

Bị lạc

Đơn giản là bỗng nhiên bạn thấy mình bị lạc, thất lạc khỏi nhóm đồng hành ở một nơi hoang dã không có bóng người. Hay tệ hại hơn là bạn tự đi đến một nơi hoang dã và không thể tìm được lối thoát, không ai biết bạn mất tích để tìm kiếm. Trước tiên tôi xin nói đến trường hợp bất khả kháng bạn phải đi đến những nơi như thế và đã có sự chuẩn bị từ trước. Vậy bạn có thể và muốn mang theo những gì?

Bí quyết ở đây là phải xác định mục đích, nhu cầu và quan trọng nhất là địa thế và khí hậu nơi mà ta sẽ phải đến. Từ đó ta sẽ mang theo những đồ dùng cần thiết thích hợp chứ không phải là “cõng” theo bất kì thứ gì mà ta nghĩ đến. Một số vật dụng quan trọng tối thiểu phải có ở đây là:

- Y phục: quần áo,giày dép,mũ, găng tay, áo mưa, ba lô...phù hợp với khí hậu nơi mình muốn đến. Nếu địa điểm bạn sắp đến là vùng sa mạc thì đương nhiên hành trang chuẩn bị phải được lựa chọn khác biệt với vùng biển hay vùng băng tuyết.

- Đồ dùng cá nhân: tùy theo tình huống và tùy theo sức mang của bạn. Nhưng chắc chắn phải có bình nước, bật lửa, dao đa năng, xoong nồi cá nhân, túi cứu thương, túi mưu sinh, đèn pin, la bàn, bản đồ hay GPS … Điện thoại di động thì khỏi nói rồi nhưng còn pin hay có trong vùng phủ sóng hay không lại là chuyện khác.

Một số vật dụng nhỏ nhưng không thể thiếu.

- Thực phẩm: cực kì cần thiết nhưng lại rất khó mang theo và khó bảo quản. Ta nên mang những thức ăn khô, lương khô, gạo, gia vị, trứng hay đồ hộp là dễ dàng nhất. Ít nhất thì số lượng thức ăn đó có thể giúp ta sống sót cả tuần để chờ người đến cứu (Nhiều ý kiến cho rằng lượng protein trong một quả trứng gà có thể giúp ta sống sót trong 1 ngày).

- Dụng cụ cắm trại: lều bạt, võng, chăn màn...

- Dụng cụ cầu cứu: pháo sáng, còi, gương phản chiếu hay đơn giản chỉ là những đống lửa tạo khói dễ nhận thấy từ xa...

Được trang bị thật tốt những thứ như trên, chắc chắn bạn sẽ đủ tự tin để tìm được cách đối phó với những tình huống hiểm nghèo nhất. Phần còn lại là kinh nghiệm, sức khỏe và kiến thức căn bản mà tôi nói dưới đây sẽ giúp bạn là kẻ sống sót…

1. Bị lạc mà không có ai tìm kiếm

Đây là một tình huống khá bi đát và cũng không ít người mắc phải. Tâm lý hoảng sợ, suy sụp mất tự chủ sẽ đến một cách nhanh chóng với bất kì ai  nếu không tìm được lối thoát sau vài ba ngày. Vì vậy mục tiêu hàng đầu trong tình huống này là phải thoát khỏi vùng nguy hiểm một cách nhanh nhất có thể. Bất kì khu dân cư,lán trại hay dấu hiệu sinh hoạt nào của con người cũng sẽ là chìa khóa dẫn đến lối thoát của bạn. Dưới đây là một số cách phát hiện phương hướng và di chuyển.

- Phương hướng:  Bạn có trong tay la bàn hay bản đồ nhưng đôi lúc nó sẽ trở nên vô ích nếu bạn không thể xác định đi về hướng nào để gặp khu dân cư gần nhất. Hay tệ hại hơn là bạn chẳng có gì trong tay cả. Làm thế nào để bạn có thể xác định được phương hướng mà mình phải đi? Hãy trèo lên 1 cái cây hoặc mỏm đá cao nhất có thể. Quan sát thật kĩ mọi nơi mà bạn có thể nhìn thấy: ngọn tháp, đồng ruộng, khói, nhà cửa, đường mòn… bất kì dấu hiệu đời sống con người nào sẽ giúp bạn quyết định hướng mà mình phải đi tới. Nếu là ban đêm thì ánh đèn điện, ánh lửa cũng sẽ được nhìn thấy từ rất xa.

   
Trong trường hợp mà bạn không thể nhìn thấy hay nghe thấy gì. Cách tốt nhất là cố gắng xác định vị trí một con suối, một con sông từ trên cao. Ở trên cao bạn nhìn thấy những khoảng rừng cây xanh mướt hơn những khoảng rừng khác thì chắc chắn ở gần đó có sông suối . Công việc tiếp theo chỉ là đi xuôi theo hạ lưu (theo dòng nước chảy) và tỉ lệ gặp khu dân cư hay thoát khỏi “vùng nguy hiểm” là rất cao. Cách trên cũng hoàn toàn có thể áp dụng nếu bạn ở hoang mạc hay sa mạc tuy nhiên tỉ lệ thành công thấp hơn.

- Di chuyển: trong phim ta hay thấy những người di chuyển trong rừng thường bị quay trở lại chỗ cũ hay vô thức đi theo một đường tròn. Đây là việc hoàn toàn có thật do bước chân của bạn không đều nhau (chân trái bước dài hơn chân phải chẳng hạn). Và rất nhiều bước chân không đều nhau đó sẽ đưa bạn đi theo đường vòng cung thậm chí là đi theo đường tròn. Vì vậy xác định rõ phương hướng, đánh dấu mục tiêu bằng mặt trời, mặt trăng, núi , hướng gió so với hướng di chuyển…hay bất kì những gì có thể, đó là cực kì quan trọng. Và khi gặp phải trường hợp trên không được hoảng loạn hay có tâm lý buông xuôi, đây là một điều rất tối kị. Khi mà nghị lực và khát vọng sống không còn thì chẳng có cách nào có thể cứu được bạn.

2. Bị lạc mà có người tìm kiếm (lạc khỏi nhóm hay có ai đó biết chắc chắn bạn mất tích)

Tuy đây cũng là một cú sốc đối với bạn nhưng mọi việc lại đơn giản hơn so với trường hợp ở trên rất nhiều. Việc đầu tiên là nên bình tĩnh xác định địa hình xung quanh, nghiên cứu tìm hiểu nguồn nước, thực phẩm và ở lại đó chờ người đến cứu. Cách thức để tìm kiếm nguồn nước, thực phẩm hay sinh tồn tôi xin phép được nói trong những kì sau. Ở đây tôi chỉ xin các bạn nên thực hiện theo những lời khuyên sau đây :
- Ở nguyên tại chỗ chờ người đến cứu: ở nguyên tại chỗ tránh di chuyển làm tiêu hao năng lượng, thú dữ tấn công, tai nạn hay bệnh tật …

- Tìm hiểu môi trường xung quanh để tìm kiếm nguồn nước, thực phẩm, chỗ trú ẩn, củi, cây quả …

- Tạo ra các dấu hiệu dễ nhận thấy: ở trong rừng thì đốt lửa tạo khói, vùng băng tuyết hay sa mạc thì xếp đá sẫm màu theo chữ SOS , căng những tấm vải màu sắc, quần áo lên cao, tạo ra âm thanh (nếu có thể).

- Giữ lửa luôn cháy để giữ nhiệt, xua đuổi thú dữ và cả tạo sự an thần.

- Yên tâm chờ người đến cứu: Con người có thể sống 3 ngày mà không có nước, 3 tuẩn nếu không có thực phẩm. Kể cả việc bạn bị thương không thể di chuyển,bạn hoàn toàn có thể hi vọng trong thời gian đó bạn sẽ được cứu thoát .  

3. Bị lạc theo nhóm

Việc này xem ra còn dễ thở hơn tình huống trước nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh hơn nhiều. Ganh ghét, nghi kị, trộm cướp,mất trí, ảo giác, chán nản,bất cần… thậm chí là giết hại lẫn nhau là điều hoàn toàn có thể .Nhưng nếu tạo thành một nhóm có tổ chức và đoàn kết thì mọi việc lại đơn giản hơn rất nhiều. Vì vậy việc bầu chọn một người kinh nghiệm và được tin cậy làm Leader là điều cần thiết. Người leader này sẽ là người hỏi ý kiến mọi người nhưng mình sẽ là người đưa ra quyết định. Tránh trường hợp lạm dụng biểu quyết vì nhiều lần như thế rất dễ dẫn đến việc chia bè phái và nghi kị lẫn nhau.

Không cần phải tài giỏi như Bear Grylls nhưng bạn sẽ sống sót như anh ấy.

- Người leader này phải biết phân công công việc theo nhóm một cách hợp lý tùy theo sở trường của từng người. Củng cố tinh thần từng người và giải quyết linh động những trường hợp đau ốm, bệnh tật …

- Quyết định và dám quyết định : điều này là cực kì quan trọng. Một ví dụ ở đây là một tình huống hiểm nghèo: Một toán người bị mắc kẹt trong một hang động do sụt lún, có người đã chết và mọi người đang gắng sức đào bới tìm lối ra. Lương thực thì đã cạn kiệt mà trong nhóm có phụ nữ và trẻ con. Là một đội trưởng bạn sẽ đưa ra những quyết định như thế nào? 

Đạo đức hay bản năng sinh tồn, chôn cất hay “xử lý” những xác chết của người bạn đồng hành xấu số kia vì tập thể. Đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn và bạn phải chịu trách nhiệm về điều đó. Và nếu bạn dẹp vấn đề đạo đức qua một bên bên thì nên chia sẻ trách nhiệm đó với 1 vài người khác ( không phải toàn bộ phụ nữ, trẻ con ) để đi đến quyết định cuối cùng. Và “món ăn” kinh khủng này sẽ “chế biến” như thế nào ? Tôi đang xem xét việc có nên viết về nó vào các phần sau hay không.

Nói chung nếu bị lạc theo nhóm thì việc cần thiết nhất là tạo bầu không khí lạc quan, tinh thần đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là sức mạnh để giúp nhóm tồn tại thoát khỏi hiểm nguy .

Cuối cùng điều tôi muốn nói ở đây là những kiến thức căn bản phía trên hoàn toàn không quá xa vời. Nó nằm trong tay bạn và bạn hoàn toàn có thể làm được, thậm chí là tốt hơn. Biết đâu một lúc nào đó nó sẽ làm cho những người xung quanh bạn khâm phục và chính bạn cũng tự tin về khả năng ứng biến và những sự hiểu biết của mình…

Ở kì sau tôi sẽ nói chi tiết hơn về những tình huống đi lạc, bạn phải lênh đênh trên dại dương mênh mông, lạc trong sa mạc nóng bỏng hay trong rừng già ẩm ướt. Bạn bị thương, bị rắn cắn hay đơn giản chỉ là muốn vượt qua sông suối, đầm lầy, núi cao. Bạn phải làm thế nào? Hi vọng bài viết vào kì tới sẽ giúp bạn phần nào giải quyết những câu hỏi này.

Bạn nên đọc
Quảng cáo