- Trang chủ
- > Sách
- > Kỹ năng sống
- > Mẹo để gây dựng niềm tin vào chính bạn
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn
Mẹo để gây dựng niềm tin vào chính bạn
- Tác giả:
- Thể loại: Kỹ năng sống
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 01/01/1970
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Không có ai đáng tin tưởng hơn bản thân bạn. Đôi khi chúng ta mất niềm tin vào chính mình sau khi mắc phải sai lầm, hay cũng có thể do ai đó khắc nghiệt hoặc liên tục chỉ trích chúng ta. Khi không thể tin tưởng bản thân, bạn có thể cảm thấy việc đưa ra quyết định khá khó khăn, vì bạn sợ mình sẽ chọn sai. Hoặc bạn sợ mình sẽ dễ bị chỉ trích vì quyết định của bản thân.
Xây dựng lòng tin vào chính bạn có thể giúp nâng cao kỹ năng đưa ra quyết định và sự tự tin của bạn. Điều này có thể làm cho cuộc sống dễ thở và thú vị hơn nhiều. Dưới đây là một số mẹo để giúp bạn tìm hiểu cách tin tưởng vào bản thân mình:
1. Hãy là chính mình
Nếu bạn e ngại cái nhìn hay đánh giá của người khác về mình, bạn có thể sẽ thấy khó khăn khi thể hiện bản thân trước mặt người khác. Hành động không giống với bản chất thật sự của mình chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu tự tin và chưa tin tưởng vào bản thân. Những người khác cũng có thể cảm nhận được điều đó từ bạn.
Vì vậy, làm thế nào để xây dựng niềm tin vào bản thân để có thể là chính mình trước mặt người khác? Lúc bạn bắt đầu cảm thấy không an toàn khi ở bên người khác, hãy tự nhắc nhở mình rằng bạn sẽ ổn thôi. Bắt đầu bằng cách tập luyện với những người mà bạn cảm thấy thoải mái nhất khi ở bên, như bạn bè và gia đình thân thiết của mình. Hãy tham khảo điều này nếu bạn cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc không thoải mái, và dành thời gian với những người thân thiết cho đến khi cảm giác không an toàn trong bạn dần biến mất.
Khi bạn có thể là chính mình khi đứng trước mặt người khác, họ sẽ đối xử với bạn bằng sự tin tưởng nhiều hơn. Điều này có thể giúp bạn xây dựng lòng tin vào chính mình.
2. Đặt mục tiêu hợp lý
Thông thường, chúng ta luôn đặt ra những mục tiêu khá cao. Thay vì đặt mục tiêu kiếm được 50.000 đô la/năm từ công việc mình đang làm, chúng ta thường đặt mục tiêu kiếm được 100.000 đô la. Thay vì cố gắng hoàn thành một dự án trong hai tuần, chúng ta thường cố gắng thực hiện nó trong một tuần. Đặt mục tiêu cao cũng tốt bởi vì nó thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ hơn để đạt được thứ mình muốn.
Nhưng không may thay, việc đặt mục tiêu quá tham vọng cũng tồn tại một nhược điểm lớn. Khi không đạt được mục tiêu lớn mà mình đặt ra, chúng ta sẽ trải qua cảm giác thất bại. Thất bại thường xuyên có thể làm giảm sự tự tin và khả năng tin tưởng vào bản thân.
Thay vì đặt ra một mục tiêu lớn, hãy thử đặt ra nhiều mục tiêu nhỏ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu lớn của mình. Làm như vậy sẽ giúp cho mục tiêu lớn của bạn trở nên thực tế hơn. Bạn sẽ có được sự tự tin và tin tưởng vào chính mình mà cũng vừa hoàn thành được các mục tiêu nhỏ hơn đó.
3. Hãy tử tế với bản thân
Có thể bạn đã từng nghe qua cụm từ “tình yêu vô điều kiện”. Có lẽ nó muốn nói đến mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, hoặc tình yêu tồn tại giữa anh chị em, bạn bè, hoặc thậm chí là bạn đời của mình. Nhưng bạn có biết rằng yêu bản thân một cách vô điều kiện cũng rất quan trọng không?
Yêu bản thân vô điều kiện nghĩa là loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và không nên tự chê trách chính mình sau khi phạm sai lầm. Bắt đầu bằng cách để ý kỹ đến tiếng nói bên trong thâm tâm và cách nó phản ứng với hành động của bạn. Nó phản ứng tích cực hay tiêu cực? Nó chấp nhận hay phê phán? Khi biết yêu bản thân mình vô điều kiện, bạn mới có thể tin tưởng bản thân một cách vô điều kiện. Và điều đó giúp củng cố sự tự tin của bạn.
4. Phát huy điểm mạnh của bạn
Ai cũng đều có mặt vượt trội hơn hay yếu kém hơn so với người khác. Bạn có thể hiểu rất rõ về những thứ bản thân mình vượt trội hoặc chưa làm tốt. Tin tưởng bản thân nghĩa là biết cố gắng làm mọi thứ mà không đánh giá bản thân quá khắc nghiệt.
Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm cách xây dựng lòng tin vào chính mình, thì lời khuyên dành cho bạn là, hãy làm việc mình giỏi nhiều hơn, và cố gắng ít động đến những gì không thuộc sở trường của bạn. Nếu không chắc chắn mình giỏi về điều gì, hãy hỏi những người gần gũi nhất với bạn. Dành nhiều thời gian nhiều hơn để làm những điều đó và củng cố lòng tin vào bản thân, vì bạn biết mình giỏi những điều đó. Hãy chấp nhận điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân.
5. Dành thời gian cho chính mình
Nếu không tin tưởng chính mình, bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi dành thời gian suy nghĩ về bản thân. Bạn có thể sẽ luôn khiến mình bận rộn cả ngày bằng cách liên tục tham gia vào các hoạt động hoặc suy nghĩ về những điều nhỏ bé khác ngoài bản thân bạn. Hãy phá vỡ thói quen đó bằng cách kiên nhẫn suy nghĩ về bản thân mình.
Bạn có thể chiêm nghiệm bản thân trong lúc thiền. Hãy thử ngồi lại với chính mình ở một nơi yên tĩnh từ 5-15 phút mỗi ngày. Chú ý đến hơi thở và cơ thể của bạn. Khi bất kỳ suy nghĩ hoặc sự tự phê bình nào lướt qua trong đầu bạn, hãy ghi nhận chúng và sau đó cho qua. Dành thời gian mặt đối mặt với bản thân như vậy sẽ giúp bạn củng cố lòng tin vào chính mình.
6. Hãy quyết đoán
Nếu chúng ta nghi ngờ về quyết định hay hành động của bản thân, nghĩa là ta đang không tin tưởng vào chính mình. Thậm chí, đôi khi ta còn tự hỏi mình là ai. Và điều đó có thể gây tổn thương cho bạn.
Xây dựng niềm tin vào bản thân bằng cách phá vỡ thói quen nghi ngờ các quyết định của mình. Lần sau nếu phải đưa ra lựa chọn, hãy theo nó đến cùng. Kể cả khi hóa ra nó không phải là lựa chọn tốt nhất, thì việc tự trách mình vì đã đưa ra quyết định sai lầm cũng không có ích gì.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là học hỏi từ sai lầm của mình. Hãy tin rằng rồi lần sau bạn sẽ đưa ra lựa chọn tốt hơn và bước tiếp. Như vậy sẽ giúp bạn học được cách tin tưởng hơn vào bản thân và kỹ năng đưa ra quyết định.
Điểm mấu chốt
Tin tưởng chính mình là một trong những việc làm hữu ích nhất bạn có thể làm trong cuộc sống của mình. Nó có thể giúp xây dựng lòng tin của bạn, cho phép người khác tin tưởng bạn nhiều hơn và khiến quá trình đưa ra quyết định trở nên dễ dàng hơn nhiều. Để có thể tin tưởng bản thân, tất cả những gì bạn cần là một chút nỗ lực, biết yêu bản thân và tìm cơ hội tự chiêm nghiệm bản thân.